Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, muốn đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng, thể chế hành chính của Việt Nam phải khác.
Việt Nam đang ở trạng thái tích cực trong thụ động, nay muốn chuyển sang trạng thái tích cực trong chủ động, tức là tìm nhà đầu tư đáp ứng được yêu cầu, thì thu hút, săn đón họ, vậy phải có bộ máy sẵn sàng và có cách tiếp cận thích hợp.
Ví dụ, nếu nhà đầu tư đăng ký đầu tư doanh nghiệp công nghệ số thì phải ứng xử thế nào, vì quy định pháp luật hiện nay chưa có.
"Quốc tịch" FDI cũng là vấn đề, nhà đầu tư có thể đầu tư qua “thiên đường thuế”, hoặc đầu tư từ châu Âu và bán lại doanh nghiệp với những cách thức phi truyền thống mà năng lực bộ máy hệ thống của Việt Nam chưa đáp ứng được.
Ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đặt câu hỏi, có nên coi hậu Covid-19 là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiến lên chuỗi giá trị để tiến tới tự chủ về năng lực sản xuất?
Sự gắn kết của doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp FDI như thế nào trong chuỗi giá trị? Nếu Việt Nam chỉ cải thiện môi trường đầu tư bằng cách tập trung cắt giảm điều kiện kinh doanh, mà không chủ động “chơi” với các tập đoàn nước ngoài, sẽ rất khó thu hút vốn.
“30 năm trước đây, Việt Nam cần nhất là FDI, nhưng nay, nguồn vốn đó phải đi kèm nâng cao công nghệ, kết nối... Đặt vị trí FDI thế nào trong bối cảnh mới là câu hỏi cần sớm trả lời”, ông Dương nêu quan điểm.
Chuyên gia Lê Đăng Doanh gợi ý một hướng đi liên quan đến FDI đáng chú ý khi đề cập đến Ấn Độ. Đây có thể là một lựa chọn vì có dự báo Ấn Độ sẽ soán khôi Trung Quốc trong tương lai không xa, khi các tập đoàn lớn được Ấn Độ mời chào hấp dẫn.
Ông Doanh cho rằng, kinh tế tư nhân phải phát triển nhanh và mạnh với các tập đoàn lớn, liên kết lại để tham gia chuỗi chế biến sâu, hợp tác với các đối tác nước ngoài, các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Để làm được điều này, Việt Nam cần hình thành các chuỗi liên kết kéo và đẩy, định rõ ngành ưu tiên thu hút FDI, từ đó đầu tư lót ổ cho “đại bàng” đến.
Trước mắt, rà soát các khu công nghiệp, cái nào manh nha hình thành thì nên chuyển đổi, còn các khu công nghiệp mới cần cương quyết thu hút theo ngành, không làm đa lĩnh vực như hiện nay. “Việt Nam cần phát triển công nghiệp trên bối cảnh hỗ trợ nông nghiệp”, ông Doanh nhấn mạnh.
Cũng có những e ngại về việc chọn đại bàng ra sao để doanh nghiệp Việt Nam không bị “nuốt chửng”, hoặc chậm đón đại bàng sẽ chỉ vợt được chim sẻ, như vấn đề mà chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành tâm tư.
Ông Thành cho rằng, thể chế phải tính tới việc cạnh tranh, nhưng phải đảm bảo cam kết và năng lực tự chủ của nền kinh tế. Đơn cử, đợt dịch Covid-19 vừa qua, nếu doanh nghiệp Việt Nam không đủ mạnh để tự chủ về dược phẩm, vật tư y tế, câu chuyện sẽ ra sao?
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không mang màu hồng như nhiều người suy đoán. Vốn FDI thực hiện 5 tháng đầu năm 2020 là 6,7 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/5 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 13,9 tỷ USD, giảm 17%.
Trong đó, có 3.528 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị góp vốn gần 3 tỷ USD, giảm 60,9%.