Đừng để nhà đầu tư quá đói thông tin

(ĐTCK) Hàng loạt doanh nghiệp đại chúng tiếp tục được các sở kế hoạch và đầu tư cho giãn thời hạn tổ chức đại hội đồng cổ đông năm nay đến hết 30/6/2020 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tuy đã tạm lắng ở Việt Nam, nhưng vẫn đang bùng phát mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên toàn cầu. 

Một giải pháp mạnh hơn đang được Bộ Tài chính tính đến, đó là việc dự kiến trình Chính phủ xem xét trình Quốc hội giãn thời gian tổ chức đại hội đến 30/9.

Ý tưởng Bộ Tài chính đưa ra khiến nhiều doanh nghiệp khấp khởi vui mừng, nhưng nhà đầu tư lại có cảm nhận kém vui khi cho rằng, nếu đến tháng 9/2020, hội đồng quản trị, ban điều hành mới gặp mặt được cổ đông để bàn kế hoạch 2020 thì rõ ràng quá muộn.

Hoạt động đầu tư phải chịu rủi ro lớn về độ trễ thông tin, khi nhà đầu tư không nắm được thông tin kinh doanh và giải pháp mà doanh nghiệp thực hiện trong  năm 2020.

Làm thế nào để có sự cân bằng giữa một bên là cái khó của doanh nghiệp với một bên là nhu cầu về thông tin của nhà đầu tư, là vấn đề nhà quản lý cần tính đến nếu giải pháp giãn thời hạn đại hội đến 30/9 được thi hành.

Quan sát thị trường cho thấy, trong thời kỳ đại dịch, một số doanh nghiệp đã có những nỗ lực kết nối thông tin sáng tạo, có thể gợi lên giải pháp để xử lý vướng mắc trên.

Chẳng hạn, tại CTCP Cảng Ðình Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vũ Tuấn Dương mới đây công bố Nghị quyết số 09 của Hội đồng quản trị thông qua kết quả sản xuất, kinh doanh quý I/2020 (doanh thu 110,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 55,2 tỷ đồng) và đồng thời thông qua kế hoạch sản xuất - kinh doanh quý II/2020 (doanh thu 125 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 55 tỷ đồng). Với cách công bố này, nhà đầu tư dù không có thông tin về kế hoạch cả năm của DVP, nhưng ít nhất cũng nắm được thông tin về nửa năm để có thể yên tâm khi quyết định giao dịch.

Vì dịch Covid-19, Cảng Ðình Vũ cũng chưa tổ chức được đại hội cổ đông và đã được Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP. Hải Phòng cho gia hạn đến 30/6/2020.

CTCP Coma 18 cũng chưa tổ chức được đại hội cổ đông vì đại dịch, nhưng Hội đồng quản trị doanh nghiệp này đã ra nghị quyết về nhiệm vụ sản xuất, - kinh doanh tháng 5/2020 và công bố công khai ra thị trường.

CTCP Camimex thì nỗ lực cập nhật tình hình kinh doanh tháng 4 để cổ đông bớt “đói” thông tin, điều mà doanh nghiệp chưa từng làm trong bối cảnh kinh doanh bình thường trước đây…

Với các doanh nghiệp đại chúng, bên cạnh nghĩa vụ thông tin bắt buộc (báo cáo tài chính hàng quý, hàng năm, báo cáo thường niên, đại hội đồng cổ đông…), nếu gia tăng thông tin ra thị trường là điểm cộng trong nỗ lực minh bạch và kết nối với nhà đầu tư.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là có quá ít doanh nghiệp thực hiện việc “gia tăng” này, khiến tình trạng đói thông tin của nhà đầu tư luôn là câu chuyện dai dẳng.

Tình trạng này sẽ trầm trọng hơn nếu đề xuất giãn thời hạn đại hội đồng cổ đông cho doanh nghiệp đến 30/9/2020 của Bộ Tài chính được chấp thuận mà không có thêm ràng buộc nghĩa vụ doanh nghiệp cần cập nhật tình hình kinh doanh hàng tháng hoặc dự kiến cả năm ra thị trường.

Một nghiên cứu mới đây của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Deloitte Việt Nam còn cho biết, tại Mỹ, Ủy ban Chứng khoán có quy định chi tiết công ty phải công bố thông tin về những thay đổi trọng yếu làm ảnh hưởng đến lợi nhuận tương lai một cách tổng quát.

Thị trường chứng khoán Hồng Kông thì quy định, công ty niêm yết phải công bố thông tin ra công chúng ngay khi xuất hiện những yếu tố làm hoạt động kinh doanh bị gián đoạn nghiêm trọng, hay có những dấu hiệu cảnh báo liên quan đến kết quả lợi nhuận, trong trường hợp này là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến hàng loạt hệ lụy.

Tại Việt Nam, đây là những khoảng hở mà nền tảng pháp lý hiện hành (Luật Chứng khoán, Nghị định và Thông tư về công bố thông tin) chưa đề cập đến.

Thiếu thông tin trực diện từ doanh nghiệp là một trong những lý do khiến thị trường chứng khoán Việt Nam dễ dàng biến động theo tâm lý đám đông, theo tin đồn và có nhiều giai đoạn chuyển động ngược xu thế.

Lấp khoảng trống thông tin từ doanh nghiệp đến nhà đầu tư, trước hết là đối với mùa đại hội 2020 đang chịu sự giãn cách và sau đó là các loại thông tin định kỳ, bất thường, có ảnh hưởng đến hiện tại và tương lai doanh nghiệp, là bài toán nhà quản lý không thể bỏ qua trong năm 2020 - năm của biến cố Covid-19 và năm của việc xây nền tảng pháp lý mới, chuẩn bị cho Luật Chứng khoán mới có hiệu lực thực thi trong năm tới.                   

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục