Đừng chống lại Fed

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tác động không nhỏ tới kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu.
Fed đang thi hành chính sách thắt chặt tiền tệ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ Fed đang thi hành chính sách thắt chặt tiền tệ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ

Kinh tế thế giới có nguy cơ suy thoái

Lạm phát tháng 6/2022 tại Mỹ tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021, đồng pha với xu hướng tăng trên toàn thế giới, khiến kỳ vọng tạo đỉnh của lạm phát chưa thành hiện thực.

Fed đã thi hành chính sách thắt chặt tiền tệ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, bao gồm nâng lãi suất liên tục và giảm bảng cân đối kế toán bắt đầu từ tháng 6/2022, tốc độ dự kiến sẽ nâng lên gấp đôi vào tháng 9/2022.

Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu cùng nhiều nền kinh tế lớn (ngoại trừ Trung Quốc) quyết liệt nâng lãi suất, đặc biệt ở các quốc gia mà tỷ lệ lạm phát đã vượt mục tiêu. Đây là giai đoạn thắt chặt tiền tệ, đảo ngược quá trình bơm tiền ở quy mô toàn cầu suốt giai đoạn dịch Covid-19 năm 2020 - 2021.

Trong 1 tháng vừa qua, chỉ số USD Index đã tăng lên mức đỉnh của 20 năm, phản ánh phần lớn các đồng tiền đều mất giá mạnh so với USD. Chênh lệch lãi suất giữa các quốc gia giãn rộng, phản ánh làn gió ngược với dòng chảy vốn toàn cầu bắt đầu vào giai đoạn gia tốc.

Với các nền kinh tế yếu, đặc trưng bởi thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách, ngân hàng trung ương đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc cân bằng giữa mức độ điều chỉnh lãi suất và bảo vệ tỷ giá để không gây đổ vỡ nền kinh tế, đồng thời làm chậm lại dòng vốn chảy ra ngoài đến những nơi có lãi suất cao hơn.

Hơn 13 năm qua, kinh tế thế giới và thị trường tài chính ổn định nhờ nền lãi suất thấp cùng những gói kích thích của Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác. Nếu như ở giai đoạn khủng hoảng, Fed cho phép lạm phát vượt mục tiêu để ưu tiên giảm tỷ lệ thất nghiệp thì ở thời điểm hiện tại, Fed cần làm được cả hai việc: kiềm chế lạm phát trong khi không gây đổ vỡ kinh tế khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh.

Các mô hình dự báo suy thoái của New York Fed bắt đầu cho thấy khả năng suy thoái kinh tế Mỹ trong 12 tháng đang tăng lên, nhưng Fed không dễ đảo ngược quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ, trừ phi kinh tế lao dốc hoặc lạm phát giảm nhanh về mức mục tiêu. Ngoại trừ Trung Quốc, thị trường tài chính toàn cầu vẫn đang đồng pha, phản ứng tiêu cực với cả hai vấn đề: nỗi sợ suy thoái và thanh khoản sụt giảm.

Kinh tế Việt Nam vững vàng, nhưng khó tránh khỏi tác động

Việt Nam đang trong chu kỳ hồi phục kinh tế, trong khi Mỹ và châu Âu tiến dần về cuối chu kỳ, giống như Trung Quốc cách đây khoảng một năm. Tăng trưởng GDP quý II/2022 đạt 7,2%, lạm phát được kiểm soát tốt.

Những yếu tố như doanh số bán lẻ, chỉ số sản xuất công nghiệp, thặng dư ngân sách và đầu tư toàn xã hội đang hồi phục, tạo nền tảng cho tăng trưởng GDP quý III có thể đạt 9% so với nền thấp cùng kỳ năm trước. Việt Nam đồng nằm trong số ít đồng tiền ổn định nhất trên thế giới.

SGI Capital cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không còn đặt ưu tiên vấn đề kích thích tăng trưởng kinh tế so với việc lành mạnh hoá dòng chảy vốn và kiểm soát tỷ giá. Việc này đồng nghĩa với thanh khoản của nền kinh tế và trên thị trường chứng khoán chưa thể dồi dào khi hạn mức tăng trưởng tín dụng tiếp tục được kiểm soát chặt.

Cũng giống như nhiều ngân hàng trung ương khác, Ngân hàng Nhà nước cần cân đối mức độ thay đổi của lãi suất và tỷ giá, vừa để hài hoà dòng chảy vốn, vừa không tạo ra kỳ vọng cho giới đầu cơ. Điểm thuận lợi là kinh tế đang trong pha phục hồi, duy trì xuất siêu, nợ nước ngoài giảm, lạm phát ở mức thấp.

Tuy nhiên, áp lực lên tỷ giá và lãi suất lớn dần khi lạm phát trong nước tăng lên và Fed tiếp tục quá trình thắt chặt tiền tệ. Kinh tế Mỹ và thế giới dần tăng trưởng chậm lại, có nguy cơ suy thoái trong những quý tới. Khi đó, Việt Nam với độ mở lớn về kinh tế và cả dòng vốn đầu tư sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Với những bất ổn và ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài trong giai đoạn hiện tại cũng như trong thời gian tới, nên thận trọng quan sát chính sách của Fed và các tác động, như giới đầu tư thường lưu truyền câu nói “Don’t fight the Fed” (đừng chống lại Fed).

Thanh Hường - SGI Capital

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục