Còn quá sớm để đánh giá động thái của khối ngoại
Việc Fed tăng lãi suất với mức cao nhất trong vòng 20 năm qua (tăng 0,5%) đã phủ bóng đen lên thị trường chứng khoán toàn cầu. Tuy vậy, ông Đào Phúc Tường, CFA, chuyên gia tài chính cho rằng, dòng tiền đổ vào chứng khoán suy giảm do nhiều nguyên nhân, mà lớn nhất là bất ổn nội tại của thị trường, chứ không hẳn do động thái của Fed.
Theo giới chuyên gia, rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa được khu trú vẫn đang tiếp tục gây tâm lý bất ổn cho thị trường, vì thị trường trái phiếu, cổ phiếu có sự liên thông chặt chẽ với nhau, có khả năng lây lan sang thị trường bất động sản và cả hệ thống ngân hàng.
Thị trường sụt giảm, thanh khoản mất hút, cộng thêm động thái của Fed khiến hàng loạt quỹ đầu tư thua lỗ, nhiều người lo vốn ngoại tháo chạy. Khủng hoảng kinh tế năm 2008 khiến tổng giá trị nhiều quỹ đầu tư ở Việt Nam mất 40-70%, hàng tỷ USD vốn ngoại tháo chạy.
Theo các chuyên gia, vốn ngoại có dấu hiệu rút ròng suốt 2 năm qua, song đang có dấu hiệu mua ròng trở lại. “Việc nhà đầu tư ngoại quay trở lại mua ròng là dấu hiệu đáng mừng, song vẫn cần thêm thời gian để đánh giá. Nhận định về xu hướng của khối ngoại bây giờ là quá sớm”, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán VPS nói.
Đặc biệt, theo ông Đào Phúc Tường, 2 lực lượng lớn của nhà đầu tư ngoại tại thị trường chứng khoán Việt Nam là nhóm nhà đầu tư Đài Loan và Hàn Quốc đã đổ rất nhiều vốn vào thị trường Việt Nam trong 2 năm qua, do lãi suất của bản địa thấp, nhất là nhóm blue-chip. Tuy vậy, thời gian tới, nếu các quốc gia, vùng lãnh thổ này tăng lãi suất theo động thái của Fed, thì dòng vốn có thể đảo ngược, nhất là khi chính sách trong nước về thị trường vốn không được vận hành trơn tru.
Mặc dù tỷ trọng giao dịch của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ chiếm một phần rất nhỏ, song chỉ số mua bán của khối này có tác động rất lớn tới tâm lý nhà đầu tư cá nhân trong nước.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, khi Fed tăng lãi suất, một số nhà đầu tư e ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác nhằm trú ẩn rủi ro, hưởng lãi suất cao hơn trước. Tuy vậy, nhà đầu tư ngoại rút vốn sẽ không nhiều do Việt Nam vẫn được coi là thị trường hấp dẫn đầu tư.
Lãi suất khó tăng, song dòng tiền “cá mập” vẫn chờ đợi cổ phiếu rẻ hơn?
Việc Fed tăng lãi suất được báo trước từ lâu. Tốc độ tăng lãi suất của Fed, đến thời điểm này, vẫn nằm trong khả năng chống chịu tốt của nền kinh tế. Ngoài sự luân chuyển của dòng vốn ngoại, 2 yếu tố vĩ mô bị ảnh hưởng lớn nhất do Fed tăng lãi suất là tỷ giá, lãi suất.
Hiện tỷ giá chưa có nhiều biến động, một phần do Việt Nam vẫn xuất siêu 4 tháng đầu năm, dự trữ ngoại hối quốc gia cao kỷ lục. Nhiều khả năng, tỷ giá chỉ tăng nhẹ cuối năm nay.
Tuy vậy, lãi suất đã ảnh hưởng khá rõ rệt dưới áp lực của xu hướng tăng lãi suất trên toàn thế giới. Từ đầu năm đến nay, hầu hết các ngân hàng TMCP đều tăng lãi suất huy động 1-2 đợt. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đang có dấu hiệu tăng lên.
Theo TS. Cấn Văn Lực, dù mặt bằng lãi suất huy động tăng, nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không điều chỉnh tăng lãi suất điều hành để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Các ngân hàng sẽ phải tiết giảm chi phí, tăng tiền gửi không kỳ hạn, số hóa… để giảm chi phí vốn, đồng thời giảm NIM.
Nhiều chuyên gia phân tích cũng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, NHNN vẫn phải duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, khó tăng lãi suất huy động, trừ phi Fed và các quốc gia khác tăng lãi suất quá mạnh.
Trong báo cáo vĩ mô gần đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, áp lực lạm phát khó có thể đảo ngược chính sách tiền tệ của NHNN, ít nhất là trong 3-6 tháng tới. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân nửa đầu năm 2022 dự báo ở mức 2,5% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức trần 4%.
Mặc dù vĩ mô không xấu những quý tới, song dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán giảm mạnh. Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính, FiinGroup cho hay, dòng tiền mới tham gia thị trường đang suy yếu rõ rệt. Dư nợ cho vay margin của các công ty chứng khoán cũng giảm khá rõ.
Dù định giá cổ phiếu của Việt Nam đã hợp lý hơn, song nhiều yếu tố nội tại của thị trường chứng khoán chưa được xử lý dứt điểm, nhất là chuyện trái phiếu doanh nghiệp, thanh lọc thị trường chứng khoán. Chưa kể, trên thế giới, ẩn số xung đột Nga - Ukraine và dịch Covid-19 của Trung Quốc kéo theo nguy cơ đứt gãy sâu thêm chuỗi cung ứng vẫn còn.
Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng giá cổ phiếu phải chuyển từ vùng giá “hợp lý” như hiện nay xuống vùng giá “rẻ” thì mới thu hút được dòng tiền “cá mập”.
Phải củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.
- TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV
Việt Nam cần tiếp tục tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa và điều hành giá cả để ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với các kịch bản khi có thay đổi chính sách tiền tệ mạnh hơn của các ngân hàng trung ương lớn; phối kết hợp tốt với chính sách tài khóa, đảm bảo ổn định lãi suất và tỷ giá góp phần kiềm chế lạm phát. Tiếp tục các biện pháp lành mạnh hóa phù hợp thị trường tài chính, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư...