Thỏa thuận này giúp các nhà mạng như Deutsche Telekom, Vodafone và Telefonica Deutschland có thêm thời gian để tìm phương án thay thế cho các linh kiện quan trọng.
Các nguồn tin cho biết, theo thỏa thuận sơ bộ dựa trên cân nhắc về bảo mật, bước đầu các nhà mạng sẽ loại bỏ mạng lõi của trung tâm dữ liệu 5G do các công ty như Huawei và ZTE sản xuất vào năm 2026. Tuy nhiên, thỏa thuận cuối cùng vẫn chưa được ký kết.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn thứ hai tới năm 2029, dự kiến vai trò của các bộ phận ăng-ten, đường truyền và tháp phát sóng của các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ bị loại bỏ hoàn toàn.
Bộ Nội vụ Đức chia sẻ rằng, các cuộc đàm phán của chính phủ với nhà mạng di động đang diễn ra.
Người phát ngôn cho biết: “Chính phủ đang hành động dựa trên chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược của Trung Quốc nhằm giảm thiểu rủi ro an ninh và sự phụ thuộc có thể xảy ra”.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức không trả lời yêu cầu bình luận.
Đức được coi là nước chậm trễ trong việc thực hiện các biện pháp an ninh của Liên minh châu Âu (EU) đối với mạng 5G.
Trước đây, các nhà khai thác viễn thông ở nước này đã chống lại những nỗ lực của Berlin nhằm thúc đẩy việc loại bỏ Huawei theo một cách tốn kém. Trong khi đó, Huawei đã bác bỏ cái mà họ gọi là "chính trị hóa" an ninh mạng ở nước này.
Đối với chi phí cho quá trình chuyển đổi, ví dụ như ở Mỹ, cơ quan quản lý truyền thông nước này cho biết hồi tháng 5 rằng gần 40% các công ty viễn thông Mỹ cần nguồn tài trợ bổ sung của chính phủ để loại bỏ thiết bị do Trung Quốc sản xuất khỏi mạng không dây của Mỹ nhằm giải quyết các rủi ro bảo mật.