Dưa hấu, hành tím ế "vào" Quốc hội

Hầu hết báo cáo được trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII sáng nay đều đề cập tới tình trạng "được mùa, mất giá" của người nông dân.
Là kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng luật. Ảnh: Giang Huy Là kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng luật. Ảnh: Giang Huy

Những trăn trở nêu trên được đề cập ngay trong báo cáo của Chính phủ, do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày đầu phiên, ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Cụ thể, Chính phủ cho biết nông nghiệp hiện là lĩnh vực đặc biệt khó khăn trong thời gian qua. Xuất khẩu nông - lâm và thủy sản giảm đã ảnh hưởng đến tổng kim ngạch chung của cả nước, trong đó tiêu thụ nông sản đối mặt nhiều thách thức lớn, với những sản phẩm như gạo, cao su, cà phê...

Nguyên nhân chính là việc thực hiện đề án tái cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, đất canh tác lúa kém hiệu quả.

Không chỉ Chính phủ, việc nông dân gặp khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm (gạo, dưa hấu, hành tây, vú sữa, hành tím, thanh long, vải thiều, cá tra), tình trạng “được mùa, mất giá” và ùn ứ hàng hóa trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp diễn ra ở nhiều nơi cũng là vấn đề được các cử tri quan tâm, lo lắng.

Theo báo cáo của Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, hiện nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu theo phong trào, chưa gắn với quy hoạch đã dẫn tới nông sản không tìm được đầu ra ổn định và bị ép giá.

Do đó, cử tri đề nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các hộ nông dân liên kết thành lập các hợp tác xã kiểu mới để tiêu thụ sản phẩm của các hộ thành viên; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và liên kết theo chuỗi giá trị, từ đó nâng cao năng suất lao động nông nghiệp và thu nhập cho nông dân.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đồng tình với ý kiến cho rằng sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, vẫn xảy ra tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm... gây thiệt hại và bức xúc cho người dân.

Mặc dù Chính phủ có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc ban hành các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng triển khai vẫn còn lúng túng, vướng mắc trong việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý thành công trong thực tiễn, nhất là mô hình liên kết chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp còn chậm.

Bên cạnh những nỗi lo đối với lĩnh vực nông nghiệp nêu trên, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm vẫn được Quốc hội, Chính phủ đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực và đang trên đà phát triển. “Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng phục hồi rõ rệt, các cân đối đã được đảm, lạm phát thấp, lãi suất giảm”, Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Sinh Hùng nói.

Theo báo cáo của Chính phủ 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,04%, lãi suất giảm, tín dụng tăng cao hơn nhiều cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách tăng  9,4%, đảm bảo các nhiệm vụ chi. GDP quý I tăng 6,03%, trong đó công nghiệp và xây dựng tăng mạnh. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8%, loại trừ yếu tố giá tăng 8% - cao nhất từ năm 2011. Số doanh nghiệp thành lâp mới cải thiện với việc hơn 6.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Hệ thống ngân hàng tiếp tục được tái cơ cấu với 4 ngân hàng được sắp xếp lại, thanh khoản được cải thiện, nợ xấu được xử lý. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 2/2015 giảm còn 3,59%. Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thu được kết quả bước đầu, Chính phủ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu nông nghiệp.

Tuy nhiên, xuất khẩu những tháng qua tăng trưởng thấp hơn nhiều cùng kỳ, khách du lịch đến Việt Nam cũng giảm hơn 12%. Việc cải thiện môi trường kinh doanh còn chậm, sức cạnh tranh của nhiều lĩnh vực còn yếu, số doanh nghiệp giải thể tăng so với năm 2014. Thị trường chứng khoán, bất động sản phục hồi chậm...

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng. Lãi suất sẽ được điều hành phù hợp nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay, phấn đầu cả năm, tăng trưởng tín dụng đạt 15-17%. Thị trường chứng khoán, bất động sản, nợ công sẽ được kiểm soát trong giới hạn cho phép. Hệ thống ngân hàng tiếp tục tục được tái cơ cấu, phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa nợ xấu về dưới 3% tổng dư nợ. Thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, hoàn thành cổ phần hóa 289 doanh nghiệp, thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Để đối phó với những thách thức trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu các doanh nghiệp trong ngành, gắn kết với nông dân… Việc tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ, khuyến khích công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí cũng được chú trọng, ưu tiên hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia. Chính phủ cũng xem xét hoàn thiện cơ chế về cho thuê, bán chuyển nhượng các công trình hạ tầng, trước mắt là trong lĩnh vực giao thông.

2015 là năm về đích trong việc thực hiện các mục tiêu 5 năm, trong đó có việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 6,5-7%. Trong bối cảnh chính trị thế giới phức tạp, kinh tế toàn cầu khó khăn, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng kỳ họp thứ 9 sẽ đóng vai trò quan trọng để đánh giá lại tình hình kinh tế thời gian qua và thảo luận, đưa ra những giải pháp cho chặng đường còn lại của năm 2015.

Ngoài ra, Quốc hội cũng xem xét chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là dự án quan trọng với vùng kinh tế phía Nam cả nước, được các cử tri quan tâm, do vậy, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh cần tính toán hiệu quả đầu tư, phân kỳ đầu tư nhằm đảm bảo tính khả thi và khả năng huy động nguồn lực, góp phần phát triển ngành hàng không.

Sau phiên khai mạc buổi sáng, buổi chiều Chính phủ trình bày với Quốc hội xin phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2013, trình dự án Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi.


Baodautu.vn/Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục