Dự toán ngân sách năm 2021 thận trọng và sát thực tế

0:00 / 0:00
0:00

Hôm nay, 12/11, Quốc hội thông qua Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 - dự toán được đánh giá thận trọng và sát thực tế.

Muốn phục hồi kinh tế, một trong những việc cần kíp bây giờ là phải kích cầu tiêu dùng trong dân chúng. Ảnh: Đ.T Muốn phục hồi kinh tế, một trong những việc cần kíp bây giờ là phải kích cầu tiêu dùng trong dân chúng. Ảnh: Đ.T

Dự toán thu không theo “quy tắc vàng”

Nhiều khả năng Quốc hội chấp thuận với đề nghị cân đối dự toán năm 2021 của Bộ Tài chính. Theo đó, thu ngân sách 1.343.300 tỷ đồng, tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2020, nhưng giảm hơn 11% so với dự toán năm 2020. Do thu giảm, nên ngân sách nhà nước năm 2021 chỉ có thể bố trí được 1.687.000 tỷ đồng, giảm 60.100 tỷ đồng so dự toán năm 2020.

Như vậy, thu ngân sách nhà nước năm 2021 không tuân theo “quy tắc vàng” luôn được Bộ Tài chính sử dụng khi xây dựng dự toán là, số tăng thu ngân sách được tính bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát dự kiến. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, theo cách tính thông thường, thì ngân sách nhà nước phải tăng khoảng 10% so với số ước thực hiện năm 2020.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuyến, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Bộ Tài chính), Việt Nam về cơ bản đã khống chế được Covid-19, nhưng tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

“Dịch bệnh vẫn tiếp tục rình rập nước ta sẽ khiến sự phục hồi kinh tế gặp khó khăn, nên dự kiến tăng thu ngân sách năm 2021 ở mức 1,5% rất thận trọng, nhưng chấp nhận được”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Cũng theo vị chuyên gia tài chính này, nhìn lại nhiều năm trở lại đây, có thể thấy, dự toán thu ngân sách nhà nước thường khác xa thực tế, vì một số khoản thu khá lớn như thu từ dầu thô, đất đai rất khó dự báo. Thị trường bất động sản cũng như giá dầu trên thị trường thế giới rất khó dự báo khiến nhiều năm ngân sách tăng thu chủ yếu là nhờ đất đai và dầu thô, nên tăng thu không bền vững, số thực thu không sát dự toán, gây khó khăn cho việc cân đối.

Ông Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, đúng là một số khoản thu bấp bênh vì phụ thuộc vào thị trường, nhưng nền tảng của thu ngân sách vẫn dựa vào tăng trưởng kinh tế. Dự toán ngân sách nhà nước được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP 6%, lạm phát dưới 4%, giá dầu thô 45 USD/thùng...

Có nhiều ý kiến tranh luận về mức tăng trưởng 6%. Có ý kiến cho rằng, mức này quá thấp vì nền kinh tế năm 2020 bị nén lại, nên khi đã bật lên thì rất mạnh. Nhưng có ý kiến cho rằng, mức này là cao vì từ những khủng hoảng đã qua cho thấy, sau khủng hoảng, phải mất 2-3 năm kinh tế mới phục hồi trở lại, vì vậy mức tăng trưởng 6% là vừa phải.

“Tăng trưởng kinh tế 6%, lạm phát 4%, nhưng dự toán tăng thu chỉ có 1,5% là vì virus nCoV đã khiến nền kinh tế như cơ thể bị phơi nhiễm, đổ bệnh một thời gian dài, sau khi qua cơn bạo bệnh, cơ thể cần phải được bổi dưỡng, tẩm bổ. Việc đặt ra mức tăng thu thấp là muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính để phục hồi hoạt động sau một thời gian dài gặp khó khăn do dịch bệnh”, ông Tân giải thích.

Khoản thu nào cũng giảm so với dự toán 2020

“Trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước chưa thể phục hồi, dự toán chi có giảm nhưng vẫn còn rất cao, để có nguồn lực bố trí chi đầu tư phát triển, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ bội chi năm 2021 dự kiến khoảng 4% GDP điều chỉnh. Vậy nên, cuối năm 2021, dư nợ công khoảng 46,1% GDP điều chỉnh, dư nợ Chính phủ khoảng 41,9% GDP điều chỉnh...”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết.

Năm 2014, lần đầu tiên Quốc hội thông qua dự toán thu thấp hơn năm 2013, nhưng có khoản tăng, khoản giảm. Còn dự toán năm 2021, mọi khoản đều giảm thu so với dự toán 2020 và giảm rất mạnh. “Đây là dự toán ngân sách nhà nước thận trọng nhất từ trước tới nay”, PGS-TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia tài chính công Học viện Tài chính nói.

Muốn tăng thu ngân sách nhà nước bền vững, không có cách gì khác ngoài việc phải phục hồi được tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn phải phụ thuộc vào vốn, vì vậy, theo ông Cường, năm 2021 phải tập trung chi cho đầu tư, không chỉ chi cho đầu tư phát triển mà phải tăng cả chi thường xuyên, tất nhiên là vẫn phải chống lãng phí, thất thoát, chi đúng, chi đủ.

Ông Cường cho rằng, năm 2020, Chính phủ tập trung chi đầu tư công là chủ trương rất đúng, nhưng chỉ hơi tiếc là giảm chi thường xuyên, đặc biệt là tạm hoãn tăng lương tối thiểu của khu vực thụ hưởng ngân sách nhà nước.

Năm 2021, tiếp tục tạm dừng tăng lương, về chính trị là đúng, nhưng về hiệu quả kinh tế, chúng ta đã lỡ 2 cơ hội để góp phần tăng trưởng kinh tế. Lý do là, ngân sách nhà nước chỉ bỏ ra 60.000-70.000 tỷ đồng/năm để tăng lương, nhưng hiệu quả tăng trưởng kinh tế sẽ đến tức thì vì hàng chục triệu người được thụ hưởng, góp phần tăng tổng cầu, tăng chi tiêu, qua đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

“Trong 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.123.000 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm 3% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,7%). Điều này đáng quan ngại vì chứng tỏ nguồn lực tài chính trong đại bộ phận người dân bị cạn kiệt - hiện tượng chưa từng xảy ra trong nhiều năm trở lại đây. Vì vậy, muốn phục hồi kinh tế, việc cần kíp bây giờ là, một mặt tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch, mặt khác phải kích cầu tiêu dùng trong dân chúng”, ông Cường đề xuất.

“Có lẽ Bộ Tài chính quá cẩn trọng khi không mạnh dạn đề nghị tăng dư nợ công, nợ Chính phủ, bội chi. Đây là ‘thời điểm vàng’ để tăng bội chi, tăng vay nợ, vì chúng ta có cơ hội vay được nguồn vốn với lãi suất thấp, thời hạn dài”, ông Cường nhấn mạnh.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục