Bội chi ngân sách nhà nước có thể vượt dự toán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiều 20/10, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho biết, nhiều khả năng bội chi ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm 38,5 nghìn tỷ đồng do không thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bội chi ngân sách nhà nước có thể vượt dự toán

Ủy ban Tài chính - Ngân sách có báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016 - 2020 và định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2021 - 2025.

Theo đó, năm 2020, ước thu ngân sách nhà nước đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, hụt 189,2 nghìn tỷ đồng (giảm 12,5%) so với dự toán. Còn tổng chi là 1.686,2 nghìn tỷ đồng, giảm 3,5% so với dự toán.

Về chi thường xuyên, ước chi cả năm 2020 là 1.068,5 nghìn tỷ đồng; tăng 12 nghìn tỷ đồng (tăng 1,1%) chủ yếu tăng do sử dụng dự phòng để chi công tác phòng chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai và thực hiện an sinh xã hội.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, năm 2020, Chính phủ đã nỗ lực giảm tỷ lệ chi thường xuyên nhưng tỷ trọng còn cao (63,4%), thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, người lao động trong các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 còn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi; việc sắp xếp, tổ chức lại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chưa thực sự quyết liệt; việc áp dụng cơ chế tài chính đặc thù đối với một số cơ quan, đơn vị chưa hợp lý.

Một số đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ dưới hình thức liên doanh, liên kết còn phát sinh tiêu cực.

Về chi phát triển, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhưng còn tồn tại một số vấn đề như tiến độ giải ngân chậm, điều chuyển vốn đầu tư công còn chậm và chưa kiên quyết, còn tình trạng giao vốn chưa hết, chưa đúng quy định.

Bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 ước khoảng 4,99%GDP, tăng 1,55% so với dự toán.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nguồn thu ngân sách giảm mạnh, nhưng nhiệm vụ chi ngân sách vẫn cần được bảo đảm, dẫn đến việc cân đối ngân sách không đạt được dự toán Quốc hội giao. Vì vậy, mức bội chi tăng cao hơn là hợp lý.

Tuy nhiên, nhiều khả năng bội chi ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm 38,5 nghìn tỷ đồng do không thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn đến bội chi ngân sách nhà nước vượt dự toán cao (khoảng 357,96 nghìn tỷ đồng), bằng 5,59%GDP.

Các chỉ tiêu về nợ công tiếp tục tăng, tuy dự ước đến cuối năm 2020 vẫn dưới mức giới hạn an toàn, nhưng đề nghị Chính phủ đặc biệt lưu ý về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu ngân sách nhà nước, là dấu hiệu nguy hiểm, gây rủi ro và giảm mức an toàn tài chính quốc gia.

Chính phủ dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 là 1.343,33 nghìn tỷ đồng, tổng chi ngân sách nhà nước là 1.687 nghìn tỷ đồng, bội chi ngân sách nhà nước là 343,67 nghìn tỷ đồng. Do thay đổi chỉ tiêu kinh tế tổng hợp GDP điều chỉnh để xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; GDP điều chỉnh dự kiến tăng 25,4%, theo đó, điều chỉnh giảm tỷ lệ các chỉ tiêu về thu, chi ngân sách nhà nước, bội chi, nợ công trên GDP từ năm 2021 trở đi.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Quốc hội tập trung thảo luận đánh giá về tình hình thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020, những vấn đề nổi lên trong quản lý thu, chi; việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước và đề xuất tăng bội chi ngân sách nhà nước; phân bổ chi ngân sách cho các dự án quan trọng quốc gia…

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục