Đu theo giá dầu, phố Wall hụt hơi

(ĐTCK) Cùng với tâm lý thận trọng của giới đầu tư trước cuộc họp của Fed, diễn biến của thị trường chứng khoán và vàng hiện đang chịu ảnh hưởng lớn từ diễn biến của giá dầu thô.
Giá dầu sụt giảm khéo phố Wall giảm điểm 3 phiên liên tiếp (Ảnh minh họa: AFP) Giá dầu sụt giảm khéo phố Wall giảm điểm 3 phiên liên tiếp (Ảnh minh họa: AFP)

Sau 2 phiên giảm mạnh đầu tuần do ảnh hưởng của giá dầu sụt giảm, phố Wall mở cửa phiên giao dịch thứ Tư khá tích cực khi giá dầu thô cũng nỗ lực đảo chiều tăng trở lại sau khi giảm xuống mức thấp nhất gần 7 năm.

Tuy nhiên, đến cuối phiên sáng, nhất là khi bước vào phiên giao dịch chiều, giá dầu thô lại đảo chiều giảm mạnh trở lại, kéo phố Wall giảm theo và đóng cửa với phiên giảm thứ 3 liên tiếp trong tuần.

Giá dầu giảm không chỉ ảnh hưởng đến nhóm cổ phiếu năng lượng, qua đó tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán chung, mà việc giá dầu giảm mạnh khiến giới đầu tư lo lắng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nên thoát khỏi các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán.

Bên cạnh giá dầu thô giảm, giới đầu tư cũng thận trọng trước cuộc họp sắp tới của Fed, mà khả năng cơ quan này tăng lãi suất đang là rất lớn.

Kết thúc phiên 9/12, chỉ số Dow Jones giảm 75,70 điểm (-0,43%), xuống 17.492,3 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,97 điểm (-0,77%), xuống 2.047,62 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 75,38 điểm (-1,48%), xuống 5.022,87 điểm.

Cũng như phố Wall, chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên giảm điểm trong ngày thứ Tư và lùi về mức thấp nhất 1 tháng do chịu ảnh hưởng từ giá dầu thô giảm, cũng như từ một số cổ phiếu bluechips niêm yết trên sàn.

Đại gia khai mỏ Anglo America tiếp tục giảm điểm sau thông tin về việc cắt giảm một nửa số đơn vị kinh doanh, bán bớt tài sản và giảm một nửa cổ tức đưa ra phiên trước. Phiên thứ Tư, cổ phiếu châu Âu còn chịu thêm sức ép từ một cổ phiếu lớn khác là Bayer. Cổ phiếu của đại gia dược phẩm này giảm 2,1% khi các cơ quan an toàn dược phẩm của Mỹ và châu Âu cho biết, thiết bị xét nghiệm máu đông bị lỗi, ảnh hưởng tới cuộc thử nghiệm thuốc chống đông máu Bayer Xarelto.

Kết thúc phiên 9/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 8,54 điểm (-0,14%), xuống 6.126,68 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 81,11 điểm (-0,76%), xuống 10.592,49 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 44,41 điểm (-0,95%), xuống 4.637,45 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, ảnh hưởng của giá dầu sụt giảm khiến chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm điểm. Tuy nhiên, đà giảm cũng đã được hãm bớt so với phiên trước nhờ thông tin dự đoán đơn đặt hàng nhà máy Nhật Bản khả quan.

Tương tự, chịu nhiều tác động không tích cực từ giá dầu và chứng khoán toàn cầu, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục có phiên giảm điểm, nhưng mức giảm cũng đã được hãm bớt so với phiên trước đó. Trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục hồi phục nhẹ trở lại vào cuối phiên nhờ nhóm cổ phiếu ô tô sau thông tin doanh số bán xe chở khách tăng 24% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, chứng khoán Trung Quốc cũng có thêm thông tin tích cực khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc lại giảm giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất 4 năm so với USD nhằm hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu của nước này, vốn đang có 15 tuần giảm liên tiếp.

Một báo cáo khác từ Trung Quốc cũng cho biết, giá sản xuất giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá tiêu dùng tăng 1,5% so với cùng kỳ.

Các con số này cho thấy một chút tích cực của kinh tế Trung Quốc sau dữ liệu thương mại được công bố trước đó, nhưng không hết lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Kết thúc phiên 9/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 191,53 điểm (-0,98%), xuống 19.301,07 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 101,37 điểm (-0,46%), xuống 21.803,76 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,37 điểm (+0,07%), lên 3.472,44 điểm.

Giá vàng cũng có phiên đầy biến động khi chịu các thông tin trái chiều. Lúc đầu, giá kim loại quý tiếp tục duy trì đà tăng và thậm chí có lúc đã vượt qua ngưỡng 1.080 USD/ounce nhờ đồng USD giảm trở lại. Tuy nhiên, sau đó, đà tăng của kim loại quý này bị hãm lại và đảo chiều khi giá dầu thô giảm trở lại.

Mặt khác, cũng giống trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư trên thị trường vàng cũng thận trọng để chờ đợi cuộc họp của Fed trong tuần tới.

Kết thúc phiên 9/12, giá vàng giao ngay giảm 2,1 USD (-0,2%), xuống 1.072,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 tăng 1,2 USD (+0,11%), lên 1.076,5 USD/ounce.

Trên thị trường dầu thô, sau 3 phiên giảm liên tiếp và xuống dưới mức thấp nhất gần 7 năm sau quyết định bơm thêm dầu vào thị trường của OPEC, giá dầu thô đã phục hồi trở lại khi mở đầu phiên giao dịch ngày thứ Tư sau thông tin từ Cơ quan năng lượng Mỹ (EIA).

Cụ thể, EIA cho biết, kho dự trữ dầu của Mỹ tăng bất ngờ giảm 3,6 triệu thùng trong tuần trước so với mức dự báo tăng 252.000 thùng. Đây là tuần giảm đầu tiên trong kho dự trữ dầu của Mỹ sau 10 tuần tăng liên tiếp.

Tuy nhiên, giá dầu thô đã đảo chiều trở lại trong phiên chiều khi thông tin kho dự trữ các sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng thêm 5 triệu thùng, vượt dự báo 2,5 triệu thùng, cũng theo thông tin từ EIA.

Kết thúc phiên 9/12, giá dầu thô Mỹ giảm 0,35 USD/thùng (-0,94%), xuống 37,16 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,15 USD (-0,37%), xuống 40,11 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục