Trong các phiên giao dịch gần đây, giá dầu đã lao dốc mạnh, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2009. Giá dầu thô giao tháng 1/2016 hiện giao dịch quanh mức 37 USD/thùng. Tính chung trong vòng 18 tháng qua, giá dầu đã sụt giảm trên 50%.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Đầu tư CEF Holdings, Warren Gilman nhận định: “Tác động tâm lý sau cuộc họp vừa qua của OPEC có thể kéo giá dầu giảm mạnh. Xu hướng này là rõ ràng và giá dầu sẽ còn thấp hơn nữa. Điểm đáy của giá dầu sẽ là sự kết hợp của các yếu tố: sự kiện địa chính trị, nền tảng nguồn cung – nhu cầu, cũng như nhân tố tâm lý. Liệu giá dầu có thể phá vỡ đáy 30 USD/thùng, thậm chí về mốc 20 USD/thùng? Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra vào năm 2016”.
Nếu không có một sự kiện lớn xảy ra, giá dầu thế giới sẽ vẫn ở mức thấp và không ổn định. Theo thời gian, mức giá này sẽ triệt tiêu các nhà khai thác năng lượng có chi phí cao và khuyến khích tiêu dùng dầu mỏ, từ đó sẽ khôi phục lại ảnh hưởng của OPEC.
Bất chấp lời kêu gọi cắt giảm sản lượng từ một số thành viên khác trong OPEC như Venezuela hay Nigieria, song Arập Xêút, quốc gia giữ vai trò chủ chốt trong tổ chức này, đồng thời là “kiến trúc sư” trưởng của chính sách dầu mỏ OPEC, vẫn quyết tâm không hạ sản lượng.
Theo ông Gilman, dù Arập Xêút cũng gặp phải những vấn đề ngân sách và tài chính nghiêm trọng từ hệ quả giá “vàng đen” quá thấp, song Riyadh có đủ năng lực tìm kiếm nguồn vốn vay bên ngoài để bù đắp thu ngân sách sụt giảm và họ có khả năng thực hiện điều đó trong một vài năm tới. Vì vậy, điều thực sự có thể ảnh hưởng tới quyết định sản lượng của Arập Xêút trong một hoặc hai năm tới là những thay đổi về nguồn cung và nhu cầu toàn cầu, một khi giá dầu xuống quá thấp.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán sản lượng dầu thô của Mỹ có thể giảm thêm 400.000 thùng/ngày trong năm 2016 do mức giá thấp, khiến hoạt động sản xuất dầu đá phiến co lại. Ông Gilman dự báo, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ tái cân bằng trở lại vào cuối năm 2016 hoặc giữa năm 2017.
Nhưng theo một số nhà quan sát khác, các mức sản lượng của OPEC hiện nay ít có liên quan tới việc kiểm soát giá dầu, bởi lẽ, dù OPEC có giảm sản lượng thì số dầu mỏ gia tăng từ bên ngoài các nước thành viên OPEC sẽ bù đắp cho bất kỳ lượng cắt giảm nào.
“Tại sao OPEC lại phải cắt giảm sản lượng khi sản lượng dầu thặng dư xuất phát từ các đối thủ cạnh tranh?”, Vandana Hari, Giám đốc Cơ quan Phân tích dữ liệu năng lượng Platts đã đặt ra nghi vấn như vậy.
Nhìn chung, giới phân tích cho rằng, giá dầu vẫn trên đà lao dốc trong giai đoạn ngắn hạn. Một số chuyên gia phân tích khu vực Trung Đông cũng đánh giá, giá dầu chỉ có thể phục hồi trong trung hạn và dài hạn một khi Mỹ cắt giảm sản lượng dầu đá phiến và các nước ngoài OPEC có kế hoạch sản xuất hợp lý.
Sau khi đạt hơn 100 USD/thùng vào tháng 6/2014, giá dầu đã giảm 40% kể từ khi OPEC quyết không thay đổi chính sách sản lượng và bảo vệ thị phần trước các đối thủ cạnh tranh trong cuộc họp hồi tháng 11/2014. Do giá dầu thấp, một số thành viên OPEC như Arập Xêút và Iraq đã tăng đáng kể sản lượng của mình trong năm qua để giữ vững thị phần, khiến tổng sản lượng của OPEC tăng theo.
Theo báo cáo tháng 11/2015 của OPEC, tổng sản lượng khai thác trong tháng 10/2015 của khối này đạt 31,4 triệu thùng/ngày. Thị trường dầu thô hiện đang trong tình trạng dư cung, khiến giá dầu suy giảm mạnh, giữa lúc Iran có kế hoạch tăng sản lượng trong năm 2016 nhằm giành lại thị phần như trước thời điểm chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Báo cáo của OPEC cũng cho biết, tổng sản lượng dầu toàn cầu hiện ở mức 95,66 triệu thùng/ngày, trong khi mức tiêu thụ chỉ vào khoảng 93,62 triệu thùng/ngày.
Nếu không có một sự kiện lớn xảy ra, giá dầu thế giới sẽ vẫn ở mức thấp và không ổn định. Theo thời gian, mức giá này sẽ triệt tiêu các nhà khai thác năng lượng có chi phí cao và khuyến khích tiêu dùng dầu mỏ, từ đó sẽ khôi phục lại ảnh hưởng của OPEC.
Tuy nhiên, một OPEC chia rẽ và bất đồng quan điểm về sản lượng như hiện nay, sẽ có rất ít ảnh hưởng trong việc giữ ổn định thị trường dầu mỏ vốn đang trong cảnh lao đao.