Sau phiên họp bộ trưởng dầu mỏ các quốc gia thành viên tại Vienna vào ngày 4/12 vừa qua, Chủ tịch OPEC Emmanuel Ibe Kachikwu cho biết, tổ chức này sẽ duy trì sản lượng khoảng 31,5 triệu thùng mỗi ngày. Các thành viên đã thống nhất xóa bỏ luôn mức mục tiêu ở 30 triệu thùng/ngày, được đặt ra trong 18 tháng qua. OPEC sẽ đợi tới tháng 6/2016 để đưa ra quyết định về mức trần mới, Tổng thư ký Abdalla El-Badri cho biết.
“Tại sao chỉ có OPEC phải làm hài lòng phần còn lại của thế giới. Nước Mỹ không có mức trần sản lượng, Nga cũng không đặt mức trần, vậy tại sao OPEC phải làm vậy?”, Bộ trưởng dầu mỏ Iraq Adel Abdul Mahdi trả lời phỏng vấn sau phiên họp.
Sản lượng dầu của OPEC thường luôn cao hơn mức sản lượng 30 triệu thùng/ngày được đặt ra trong 18 tháng qua
Thất bại trong việc giảm nguồn cung dầu trên toàn cầu có thể đẩy giá dầu mỏ xuống 20 USD/thùng trong năm tới
Bộ trưởng dầu mỏ Venezuela Eulogio Del Pino cảnh báo rằng, thất bại trong việc giảm nguồn cung dầu trên toàn cầu có thể đẩy giá dầu mỏ xuống 20 USD/thùng trong năm tới. Hiện tại, thị trường đang dư thừa khoảng 2 triệu thùng/ngày, theo số liệu của Bộ trưởng dầu mỏ Iran.
Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích tại UBS Group AG tại Zurich cho biết: “Ít nhất họ đã bỏ đi mức trần vô dụng được đặt ra bấy lâu. Hiện tại, gánh nặng lại được đặt lên vai các nhà sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC”.
Theo thông tin từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), chính sách giữ nguyên sản lượng để giữ vững thị phần của OPEC đã khiến doanh thu của tất cả các nước thành viên giảm mạnh. Theo đó, doanh thu từ dầu mỏ trong năm nay có thể rơi xuống còn 550 tỷ USD so với mức trung bình hơn 1.000 tỷ USD trong 5 năm qua.
Giá dầu đã giảm khoảng 38% trong năm 2014, với giá dầu Brent, loại tiêu chuẩn trên toàn cầu, rơi xuống mức thấp nhất 6 năm ở 42,23 USD/thùng vào ngày 24/8.
Trong phiên thứ Sáu vừa qua, giá dầu Brent ngay lập tức đã giảm 1,9%, xuống mức 43 USD/thùng sau khi thông tin từ phiên họp của OPEC được công bố và hôm nay (7/12), đang giao dịch tại 42,76 USD/thùng.