Sau giá dầu, giới đầu tư lại rầu lòng với Trung Quốc

(ĐTCK) Chưa kịp lắng xuống trước sức ép của nhóm cổ phiếu năng lượng do giá dầu sụt giảm, giới đầu tư chứng khoán toàn cầu lại chịu thêm thông tin tiêu cực từ dữ liệu thương mại của Trung Quốc.
Sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang đe dọa thị trường chứng khoán toàn cầu (Ảnh minh họa: AFP) Sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang đe dọa thị trường chứng khoán toàn cầu (Ảnh minh họa: AFP)

Trong phiên đầu tuần, phố Wall giảm mạnh khi giá dầu thô thế lao dốc, xuống mức thấp nhất gần 7 năm.

Đà giảm của phố Wall tiếp tục duy trì trong phiên thứ Ba khi ngoài giá dầu sụt giảm, thị trường còn chịu ảnh hưởng bởi dữ liệu thương mại tiêu cực từ Trung Quốc.

Theo số liệu từ cơ quan hải quan Trung Quốc, trong tháng 11, xuất khẩu tính bằng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm 3,7% so với cùng thời gian năm ngoái. Đây là tháng giảm thứ 15 liên tiếp của xuất khẩu Trung Quốc. Trước đó, trong tháng 10, hoạt động xuất khẩu giảm 3,6%.

Trong khi đó, nhập khẩu tính bằng đồng nhân dân tệ cũng ghi nhận mức giảm kỷ lục 13 tháng liên tiếp khi giảm 5,6% trong tháng 11 so với cùng thời gian năm 2014, khiến thặng dư thương mại của Trung Quốc ở mức 343,1 tỷ nhân dân tệ (53,5 tỷ USD).

Dữ liệu trên làm gia tăng mối lo về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và cũng ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp xuất khẩu lớn sang Trung Quốc, cũng như các doanh nghiệp có làm ăn tại thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, giá dầu thô dù đã hãm đà giảm, nhưng vẫn chưa thể phục hồi trở lại, khiến phố Wall chịu tác động kép và tiếp tục giảm mạnh. Tuy nhiên, điểm tích cực là chỉ số Nasdaq đã hồi phục trở lại và đóng cửa chỉ ở mức giảm khiêm tốn.

Kết thúc phiên 8/12, chỉ số Dow Jones giảm 162,51 điểm (-0,92%), xuống 17.568,00 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 13,48 điểm (-0,65%), xuống 2.063,59 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 3,57 điểm (-0,07%), xuống 5.098,24 điểm.

Tương tự phố Wall, thông tin tiêu cực từ Trung Quốc cũng ảnh hưởng nặng nề tới chứng khoán châu Âu, bởi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất, nhì của các doanh nghiệp châu Âu.

Ngoài ra, chứng khoán châu Âu còn bị ảnh hưởng bởi sự lao dốc của cổ phiếu Anglo America. Trong phiên, cổ phiếu của đại gia khai mỏ này giảm tới 12,3% khi hãng tuyên bố chuyển dịch cơ cấu, bao gồm cả kế hoạch giảm số lượng đơn vị kinh doanh từ 6 hiện nay xuống còn 3 sắp tới, bán nhiều tài sản và giảm cổ tức xuống còn một nửa.

Kết thúc phiên 8/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 88,30 điểm (-1,42%), xuống 6.135,22 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 212,49 điểm (-1,95%), xuống 10.673,6 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 74,55 điểm (-1,57%), xuống 4.681,86 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, thông tin về khả năng thoát khỏi đà suy thoái kinh tế trong quý III đã không đủ giúp chứng khoán Nhật Bản duy trì đà tăng do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ giá dầu sụt giảm và dữ liệu thương mại yếu kém từ Trung Quốc.

Trong khi đó, dĩ nhiên chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông không thể tránh khỏi phiên giảm mạnh với các dữ liệu thương mại của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vừa công bố. Trong đó, chứng khoán Hồng Kông đóng cửa ở mức thấp nhất 2 tháng.

Kết thúc phiên 8/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 205,55 điểm (-1,04%), lên 19.492,6 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 298,09 điểm (-1,34%), xuống 21.905,13 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 66,86 điểm (-1,89%), xuống 3.470,07 điểm.

Dữ liệu thương mại vừa công bố gây lo lắng về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cùng với việc đồng USD đảo chiều giảm trở lại sau 2 phiên hồi phục giúp giá vàng hồi phục nhẹ trong phiên thứ Ba. Tuy nhiên, đứng trước nỗi lo về việc Fed tăng lãi suất, giá kim loại quý này vẫn chưa đủ tự tin để bứt phá.

Kết thúc phiên 8/12, giá vàng giao ngay tăng 3,4 USD (+0,32%), lên 1.074,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 0,1 USD, xuống 1.076,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 0,1 USD, lên 1.075,3 USD/ounce.

Sau 2 phiên lao dốc liên tiếp do thông tin OPEC bơm lượng dầu kỷ lục vào thị trường để giữ thị phần, giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh khi bước vào phiên thứ Ba. Có thời điểm giá dầu thô Brent đã mất mốc 40 USD/thùng, còn dầu thô Mỹ cũng xuống dưới mức 37 USD/thùng. Tuy nhiên, về cuối phiên, nhờ đồng USD giảm, giá dầu thô đã kịp hồi phục trở lại đã hạn chế đi phần thiệt hại, nhưng không thể tránh được phiên giảm tiếp theo và vẫn đang đứng ở mức thấp nhất gần 7 năm.

Kết thúc phiên 8/12, giá dầu thô Mỹ giảm 0,06 USD/thùng (-0,16%), xuống 37,59 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,51 USD (-1,25%), xuống 40,23 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục