Những đề xuất trong tuyên bố này có tiềm năng thay đổi đáng kể các nguyên tắc cơ bản của thuế quốc tế và cả Việt Nam.
Quyết tâm chống thất thu thuế
Toàn cầu hóa đã và đang làm dấy lên lo ngại các công ty đa quốc gia có thể tận dụng mức thuế suất thấp và sự không nhất quán giữa các quy định về thuế giữa các quốc gia để giảm thiểu nghĩa vụ thuế.
Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế kỹ thuật số trong thời gian qua càng khiến việc thu thuế đúng và đủ trở thành một thách thức lớn. Mô hình thuế quốc tế truyền thống dần trở nên lỗi thời trong nền kinh tế số. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính, năm 2015, số thuế doanh nghiệp có thể bị thất thoát do những vấn đề trên có thể lên tới 240 tỷ USD.
Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo Nhóm G20 đã thông qua Chương trình hành động về hợp tác chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS). Hành động 1, một trong 15 hành động của BEPS, do OECD và Nhóm G20 ban hành năm 2015, đã tập trung giải quyết những thách thức của nền kinh tế kỹ thuật số và đưa ra một số khuyến nghị.
Năm 2016, Diễn đàn Hợp tác chung của OECD và G20 về BEPS được thành lập. Diễn đàn với sự tham gia của 139 quốc gia này ra đời nhằm đảm bảo mọi khuyến nghị đều vì lợi ích của các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Ngày 1/7/2021, một tuyên bố với hai trụ cột đã được Diễn đàn Hợp tác chung ban hành nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh từ quá trình số hóa nền kinh tế.
Trụ cột 1 - Phân bổ lại lợi nhuận
Trụ cột 1 đề xuất cơ chế để phân bổ lại một phần lợi nhuận cho các quốc gia, nơi hàng hóa hoặc dịch vụ được tiêu thụ. Trụ cột 1 dự kiến sẽ chỉ tác động đến một số lượng nhỏ, ước tính khoảng 100 các công ty lớn trên toàn cầu.
Cụ thể, chỉ những công ty đa quốc gia có doanh thu toàn cầu hàng năm trên 20 tỷ Euro và lợi nhuận trên 10% thuộc phạm vi điều chỉnh của Trụ cột 1, trừ các công ty trong lĩnh vực công nghiệp khai khoáng và dịch vụ tài chính.
Các nội dung chi tiết cuối cùng đang được soạn thảo, nhưng theo Tuyên bố, dự kiến các doanh nghiệp sẽ phải phân bổ lại từ 20% đến 30% lợi nhuận phụ trội (tức phần lợi nhuận vượt trên 10% doanh thu). Cơ chế khấu trừ thuế hoặc miễn thuế sẽ được áp dụng để tránh việc đánh thuế hai lần.
Hiện không có công ty đa quốc gia nào có trụ sở chính tại Việt Nam đạt ngưỡng doanh thu toàn cầu theo Trụ cột 1. Tuy nhiên, khi ngưỡng doanh thu này được giảm xuống còn 10 tỷ Euro sau 7 năm kể từ khi Trụ cột 1 có hiệu lực, rất có thể sẽ có một số công ty Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp.
Việt Nam là quốc gia có thể được hưởng lợi từ Trụ cột 1. Ví dụ, một công ty đa quốc gia bất kỳ trong phạm vi điều chỉnh của Trụ cột 1 phát sinh doanh thu ít nhất 1 triệu EUR từ khách hàng Việt Nam, một phần lợi nhuận phụ trội sẽ được phân bổ cho Việt Nam cho mục đích đánh thuế. OECD ước tính, hơn 100 tỷ USD lợi nhuận dự kiến sẽ được phân bổ lại cho các quốc gia mỗi năm theo cơ chế này.
Nhiều nội dung chi tiết đang được thảo luận, thời hạn để hoàn tất được đề xuất là tháng 10/2021 và thời điểm thực hiện dự kiến vào năm 2023.
Trụ cột 2 - Ngăn chặn “cuộc đua xuống đáy”
Trong quá trình toàn cầu hóa, một trong những yếu tố được các công ty đa quốc gia cân nhắc khi lựa chọn địa điểm sản xuất - kinh doanh chính là thuế.
Trong cuộc chạy đua thu hút nhà đầu tư nước ngoài, các quốc gia đang chịu áp lực phải đưa ra các ưu đãi về thuế và giảm thuế suất doanh nghiệp nói chung để tăng khả năng cạnh tranh. Trụ cột 2 trong Tuyên bố được thiết lập để đối phó với xu hướng giảm thuế, được cho là “cuộc đua xuống đáy”.
Trường hợp một công ty đa quốc gia kê khai lợi nhuận tại các quốc gia có thuế suất bằng 0% hoặc thuế suất thấp, khoản lợi nhuận này có thể bị đánh thuế ở mức tối thiểu 15%.
Trụ cột 2 đưa ra một loạt biện pháp mang tính khuyến nghị nhằm thiết lập một mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế tối thiểu là 15%. Điều này có nghĩa, trong trường hợp một công ty đa quốc gia kê khai lợi nhuận tại các quốc gia có thuế suất bằng 0% hoặc thuế suất thấp, Trụ cột 2 sẽ đảm bảo rằng, khoản lợi nhuận này sẽ bị đánh thuế ở mức thuế suất tối thiểu là 15%, thực hiện thông qua cơ chế đánh thuế bổ sung, từ chối khấu trừ thuế, hoặc thuế khấu trừ tại nguồn.
Một số khía cạnh nhất định của Trụ cột 2 sẽ áp dụng cho công ty đa quốc gia có doanh thu hàng năm vượt quá 750 triệu Euro. Nhưng một quốc gia vẫn có thể lựa chọn áp dụng quy tắc của Trụ cột 2 đối với các công ty đa quốc gia có trụ sở chính tại quốc gia đó ngay cả khi không đạt ngưỡng doanh thu này. Trụ cột 2 sẽ không áp dụng cho các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, các tổ chức phi lợi nhuận, hoặc thu nhập từ vận chuyển quốc tế.
Trụ cột 2 dự kiến sẽ tạo ra 150 tỷ USD doanh thu thuế toàn cầu, có thể sẽ được luật hóa vào năm 2022 và có hiệu lực chậm nhất vào năm 2023.
Trụ cột 2 có thể tác động đến Việt Nam theo nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, có khả năng một số công ty có trụ sở tại Việt Nam đạt được ngưỡng doanh thu đề xuất và do đó phải áp dụng các biện pháp này. Việc các công ty có thực sự bị ảnh hưởng bởi các biện pháp này hay không phụ thuộc vào việc họ có các công ty con bị đánh thuế ở mức dưới 15% hay không.
Thứ hai, Việt Nam có thể bị ảnh hưởng một cách gián tiếp. Việt Nam có cơ chế ưu đãi thuế khá cạnh tranh, dựa trên địa bàn, lĩnh vực được khuyến khích đầu tư và các dự án quy mô lớn.
Các ưu đãi cụ thể được hưởng sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng hạng mục, nhưng nhìn chung bao gồm thời gian miễn thuế và thời gian được giảm thuế suất (do đó, mức thuế suất thực tế có thể thấp đến 5%). Bên cạnh các ưu đãi về thuế, doanh nghiệp còn có thể có ưu đãi về miễn thuế nhập khẩu và miễn tiền thuê đất từ Nhà nước.
Sức hấp dẫn của cơ chế ưu đãi thuế sẽ giảm khi khung pháp lý mới được áp dụng. Các công ty đa quốc gia lớn đầu tư vào Việt Nam có thể sẽ phải chịu một số hình thức “thuế bổ sung” tại quốc gia nơi họ đặt trụ sở chính, nếu họ được hưởng mức thuế suất tại Việt Nam thấp hơn 15%.
Dự kiến tác động đến các nhà đầu tư
Với các nhà đầu tư mới, rất ít công ty đưa ra quyết định đầu tư mà chỉ đơn thuần dựa vào các ưu đãi thuế. Nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN và các khu vực khác đưa ra nhiều hình thức ưu đãi thuế khác nhau, nhưng ưu đãi này sẽ bị trung hòa khi Trụ cột 2 được áp dụng.
Việc áp dụng các khuyến nghị tại Trụ cột 2 sẽ càng giúp các công ty đa quốc gia hướng vào các lý do cơ bản trong kinh doanh khi lựa chọn địa điểm đầu tư.
Ngoài thuế, các yếu tố khiến Việt Nam trở thành một địa điểm đầu tư hấp dẫn là thị trường lao động dồi dào được đào tạo bài bản và chi phí thấp, môi trường chính trị ổn định, vị trí thuận lợi và cơ sở hạ tầng đang được cải thiện, cùng nhiều yếu tố khác. Hơn nữa, khi ngày càng có nhiều công ty đầu tư vào Việt Nam, các ngành công nghiệp hỗ trợ và quy mô thị trường cũng sẽ làm gia tăng mức độ hấp dẫn đầu tư.
Việt Nam hiện đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm các quốc gia như nhóm các nước thuộc Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Nga, Hàn Quốc, các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada, Úc...
Các FTA giúp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác không có hệ thống này.
Ngoài việc giảm thuế quan đối với hàng hóa trao đổi giữa các bên tham gia hiệp định, các FTA có các cam kết liên quan đến quyền của người lao động, các vấn đề môi trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và những vấn đề khác, qua đó tiếp tục nâng cao mức độ thu hút đầu tư của Việt Nam theo thời gian.
Từ góc độ của nhà đầu tư hiện hữu tại Việt Nam, nếu đã đưa ra quyết định đầu tư dựa trên các ưu đãi thuế và dự phóng kết quả “lợi nhuận trên vốn đầu tư” dựa trên các ưu đãi đó, có thể họ sẽ không hài lòng trước các đề xuất tại Trụ cột 2.
Khung pháp lý của Trụ cột 2 đã được thống nhất về mặt nguyên tắc, nhưng những nội dung chi tiết vẫn đang được xem xét. Do đó, một số công ty đa quốc gia có thể sẽ vận động cho các biện pháp giảm thiểu tác động của khung pháp lý này, dưới hình thức các khoản giảm trừ cụ thể, hoặc các điều khoản miễn trừ.
Vì theo đoạn cuối cùng trong Tuyên bố dưới tiêu đề “Các bước tiếp theo” nêu rõ, “thỏa thuận đạt được cho thấy tham vọng của các thành viên Diễn đàn Hợp tác chung về một mức thuế tối thiểu toàn cầu vững mạnh và có ít tác động đến các công ty đa quốc gia thực hiện các hoạt động kinh tế thực chất”.
Tuyên bố cũng đưa ra các thảo luận về “các điều khoản bảo hộ” và “các cơ chế khác” để đảm bảo các quy tắc này “tác động đến đúng đối tượng nhất có thể”. Thêm vào đó, câu cuối cùng trong Tuyên bố có nội dung sẽ nghiên cứu thêm liệu có nên miễn trừ các công ty đa quốc gia đang trong giai đoạn đầu thực hiện hoạt động kinh doanh quốc tế khỏi việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu.
Những thay đổi căn bản của hệ thống thuế quốc tế nêu trên sẽ rõ ràng hơn khi các báo cáo chi tiết được phát hành vào tháng 10/2021.
(*) Ông Robert King là Lãnh đạo Dịch vụ Thuế khu vực Đông Dương, bà Nguyễn Vũ Uyên Ly là Giám đốc Dịch vụ thuế, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam. Quan điểm trong bài báo này là của các tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức EY toàn cầu và các thành viên.