Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận vào tuần tới đã bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong công tác quản lý thuế. Thưa ông, đây có phải là bước tiến so với Luật Quản lý thuế hiện hành?
Nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế, phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đã bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước trong việc phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện việc thu nộp, cũng như kết nối chia sẻ thông tin để quản lý thuế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành. Đây là bước tiến so với quy định hiện hành.
Dự luật cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN là thực hiện kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về KTNN.
Theo tôi, để bảo đảm việc chống thất thu thuế, gian lận thuế, trốn thuế, thì cần thêm quy định KTNN ngoài kiểm toán các hoạt động liên quan đến quản lý thuế, còn phải kiểm toán nghĩa vụ của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về KTNN, quy định của pháp luật về thuế, quản lý thuế.
Theo Luật KTNN, đơn vị được kiểm toán là những cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Vậy doanh nghiệp không quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công sẽ không thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN?
Theo quy định của Hiến pháp, thì KTNN thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tài chính công bao gồm ngân sách nhà nước; dự trữ quốc gia; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp… Như vậy, KTNN có trách nhiệm kiểm toán ngân sách nhà nước, bao gồm thu và chi ngân sách.
Vì vậy, khi kiểm toán ngân sách nhà nước, KTNN không chỉ kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng (chi), mà còn phải kiểm toán cả hoạt động thu ngân sách.
Tức là, ngoài kiểm tra nhiệm vụ thu của cơ quan quản lý thuế để đánh giá, kiến nghị trách nhiệm của cơ quan thu thuế, thì việc kiểm toán cả nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, không phân biệt là doanh nghiệp nhà nước hay ngoài nhà nước là cần thiết, vừa chống thất thu ngân sách, vừa nâng cao trách nhiệm cơ quan quản lý thu.
Tóm lại, thuế là nguồn thu của ngân sách, nên nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp cần phải được kiểm toán.
Dự thảo Luật Quản lý thuế quy định, trường hợp quyết định của cơ quan quản lý thuế có sự khác biệt với báo cáo kiểm toán về nghĩa vụ thuế thì thực hiện theo quyết định của cơ quan quản lý thuế. Ông nghĩ sao về quy định này?
Tôi cho rằng cần phải bỏ quy định này vì vi hiến, cũng như trái với Luật KTNN.
Cụ thể, theo quy định của Hiến pháp thì KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Theo quy định của Luật KTNN, thì giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán sau khi phát hành và công khai có tính bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán.
Cơ quan quản lý thuế là đơn vị được kiểm toán, khi phát hiện sai phạm trong quản lý thuế như để xảy ra trốn thuế, nợ thuế, tính sai thuế, KTNN sẽ kiến nghị xử lý trách nhiệm của cơ quan thuế và công chức thuế.
Nếu quy định “thực hiện theo quyết định của cơ quan quản lý thuế” thì chưa ổn. Vì vậy, quy định này nên được thay đổi theo hướng, KTNN chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kết luận của mình.
Doanh nghiệp đã chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, Thanh tra Chính phủ, thanh tra chuyên ngành. Nếu bổ sung chức năng, nhiệm vụ kiểm toán của KTNN liệu có dẫn tới việc doanh nghiệp phải chịu quá nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán không, thưa ông?
Không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Ireland, New Zealand…, cơ quan kiểm toán tối cao đều thực hiện kiểm toán thuế với các cấp độ khác nhau.
Đại đa số các nước, kiểm toán thuế là một bộ phận quan trọng của kiểm toán tài chính công, đầu mối chính của kiểm toán thuế là các cơ quan thu, cơ quan quản lý và tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp thuế.
Theo Tuyên bố Lima (Pêru) thì cơ quan kiểm toán tối cao có quyền kiểm toán việc thu thuế ở mức độ càng rộng càng tốt, khi thực hiện việc này phải có quyền kiểm tra hồ sơ thuế cá nhân.
KTNN và Thanh tra Chính phủ đều là cơ quan có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về nghĩa vụ thu, nộp thuế.
Thanh tra Chính phủ là công cụ của cơ quan quản lý hành chính nhà nước, hoạt động thanh tra xem xét, đánh giá, xử lý đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Còn KTNN không những kiểm toán tính tuân thủ pháp luật, mà còn đánh giá tính hiệu quả kinh tế, hiệu quả của việc quản lý tài chính công, tài sản công.
Như vậy, hoạt động của KTNN, thanh tra nhà nước các cấp không hề chồng chéo về chức năng. Thực hiện ngoại kiểm đối với việc thu và nộp thuế sẽ bảo đảm tốt việc chống thất thu ngân sách.
Tuy nhiên, để giảm thiểu số cuộc thanh tra, kiểm toán, thì KTNN và thanh tra nhà nước các cấp phải phối hợp chặt chẽ với nhau, thực hiện nguyên tắc mỗi cơ quan nhà nước không thanh tra, kiểm toán doanh nghiệp quá một lần/năm.