“Lưới 20” bắt nhầm cá?
Nghị định 20/2017/NĐ-CP ban hành ngày 24/2/2017 với mục tiêu cao nhất là chống chuyển giá/chuyển nợ với mục đích trốn tránh thuế, trong đó đối tượng điều chỉnh của Nghị định 20 là các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo khoản 3, Điều 8, Nghị định 20: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế...".
Thực thế, Nghị định 20 đã góp phần hạn chế việc chuyển giá, giúp thu về cho ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng. Cụ thể, theo Bộ Tài chính, kể từ năm 2017 đến 6/2019, cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra và truy thu trên 41.000 tỷ đồng, giảm khấu trừ gần 5.000 tỷ đồng, giảm lỗ 86.000 tỷ đồng. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra xác định lại giá giao dịch liên kết đã phát huy hiệu quả, truy thu trên 1.400 tỷ đồng, giảm lỗ trên 13.700 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế gần 12.000 tỷ đồng.
Trong ý kiến thẩm định đối với dự thảo sửa đổi Nghị định 20 mới đây nhất, Bộ Tư pháp đã đề nghị xem xét nội dung cho áp dụng hồi tố đối với việc xác định khống chế chi phí lãi vay năm 2017 và 2018 phải đảm bảo lợi ích chung của xã hội, lợi ích của tổ chức, cá nhân; có cơ chế thống nhất chung trong việc thực hiện khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 mà không phân biệt những trường hợp đã thanh tra, kiểm tra hay chưa thanh tra, kiểm tra. Mặc dù ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp không phản đối hồi tố, nhưng trong tờ trình gửi Chính phủ ngày 20/2, Bộ Tài chính đã quyết định bỏ quy định hồi tố.
Trong tổng số gần 4.000 doanh nghiệp kê khai có giao dịch liên kết có phát sinh khoản chi phí lãi vay, có hơn 700 doanh nghiệp có tỷ lệ chi phí lãi vay vượt ngưỡng 20%. Loại trừ số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tính toán cho thấy, có hơn 250 doanh nghiệp trong nước với khoản chi phí lãi vay của các doanh nghiệp trong nước được loại trừ trên 10.000 tỷ đồng/năm. Điều đặc biệt, các doanh nghiệp này có tỷ lệ chi phí lãi vay vượt 20% đều là khoản vay lớn, thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng, sản xuất và phân phối điện… có hoạt động liên doanh, liên kết khá cao.
Tuy nhiên, ngoài kết quả đạt được như trên, Nghị định 20 cũng vô tình trói chân các doanh nghiệp trong nước, nhất là các tập đoàn hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, hay các doanh nghiệp sử dụng vốn vay lớn như bất động sản.
Bởi cụm từ “chi phí lãi vay” được hiểu trong văn bản pháp lý chưa rõ ràng, nên nếu hiểu chi phí lãi vay là phần lãi đi vay thuần túy, không được cấn trừ với thu nhập cho vay, thì các khoản vay trả chậm, trả góp và các khoản cấn trừ sẽ không thống nhất trong cách xử lý thu nhập tính thuế.
Bên cạnh đó, Nghị định 20 cũng không quy định phạm vi ngưỡng 20% chỉ áp dụng riêng với các khoản vay từ bên liên kết hay tất cả khoản vay của doanh nghiệp. Nên khi áp dụng cách hiểu khác nhau, số thuế phải nộp của các doanh nghiệp có sự chênh lệch lớn.
Chưa kể, đối với các khoản vay mà công ty mẹ vay về và cho công ty con vay lại, chi phí lãi vay phát sinh tại cả công ty tính trên cùng một khoản vay sẽ bị áp trần 2 lần. Phần chi phí lãi vay vượt trần sẽ bị tính thuế 2 lần tại 2 công ty.
Lãnh đạo một công ty bất động sản nghỉ dưỡng lớn cho biết, đơn vị này thường xuyên ký các hợp đồng cam kết vay với các đơn vị thành viên. Bản chất của giao dịch liên kết giữa công ty mẹ và các thành viên này là “cho vay lại” và được Chính phủ cho phép thực hiện theo quy định của Nghị định 10/2017/NĐ-CP về quy chế quản lý tài chính nội bộ.
Việc thực hiện khống chế tổng chi phí lãi vay theo Nghị định 20/2017 khiến các công ty con trực thuộc phải nộp thêm các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp rất lớn (từ vài chục tỷ đồng), bào mòn lợi nhuận từ năm 2017 đến nay.
Nhiều doanh nghiệp đã chuyển từ lãi thành lỗ vì quy định của Nghị định 20
Cần sửa triệt để
Tiếp thu ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp sau gần 3 năm thực thi Nghị định 20/2017, Bộ Tài chính đã soạn thảo dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 theo hướng tăng trần khống chế chi phí lãi vay lên 30% từ mức 20% như hiện nay.
Bên cạnh đó, chi phí lãi vay của doanh nghiệp được tính theo lãi vay thuần (là chi phí lãi vay trừ doanh thu từ lãi vay). Tuy nhiên, điểm mong chờ nhất của các doanh nghiệp lại bị “gạt” ra khỏi lần sửa đổi này: Đó là thay vì hồi tố cho phép doanh nghiệp được áp dụng điều khoản sửa đổi từ kỳ tính thuế 2017 đến nay (thời điểm Nghị định 20 có hiệu lực), thì dự thảo chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2019 trở đi.
Đại diện CEO Group cho rằng, Nghị định 20 ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp bất động sản, bởi tỷ lệ lãi vay cao và đối tượng doanh nghiệp trong nước bị vạ lây, phải nộp thêm thuế. Mặc dù dự thảo tăng tỷ lệ khống chế lãi vay tăng lên 30%, nhưng điều này lại không áp dụng cho kỳ tính thuế 2017, 2018, mà chỉ tính năm 2019, nên khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa được tháo gỡ, nhất là khi tiền thuế năm 2017, 2018 của doanh nghiệp rất lớn, bị đội lên nhiều lần, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Là doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp từ Nghị định 20, đại diện CTCP Hoàng Anh Gia Lai cho rằng, việc tăng tỷ lệ trần chi phí lãi vay thuần từ 20% lên 30% là tích cực, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, chưa phản ánh thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Những công ty có lợi nhuận lớn như Samsung thì con số 20% lên 30% là lớn, nhưng với nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ đang khó khăn, đặc biệt là giai đoạn dịch bệnh hiện nay có mức lãi ít, thậm chí lỗ, thì tỷ lệ 20% hay 30% hoàn toàn không có ý nghĩa, doanh nghiệp đã lỗ còn phải đóng thuế, khó càng khó thêm.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Tổng giám đốc Eurowindow Holding cho biết, việc nâng trần lãi vay từ 20% lên 30% chỉ giải quyết được một phần của vấn đề. Bởi xét về bản chất, khoản 3, Điều 8 đã trái với luật thì phải bỏ, chứ không phải doanh nghiệp kêu thấp nên tăng lên.
Ngoài ra, những vướng mắc trong Nghị định 20 cũng cần sớm được giải quyết, tránh việc lách thuế. Việc nâng trần lãi vay từ 20% lên 30% chỉ giải quyết được một phần của vấn đề.
Trong văn bản tổng hợp đề xuất ý kiến đề nghị tháo gỡ khó khăn mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp đang xoay xở với những khó khăn mà dịch cúm Covid-19 gây ra, nếu nghị định sửa đổi Nghị định 20 chỉ cho hồi tố năm 2019 mà không cho áp dụng năm 2017 và 2018 là bất cập, ép doanh nghiệp, bởi Nghị định ban hành và thực hiện từ năm 2017 chứ không phải từ năm 2019.
Theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico, bản chất của Nghị định 20 là nhằm chống chuyển giá và đối tượng chính là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, khi đưa ra áp dụng chung cho mọi doanh nghiệp, thì mục tiêu ban đầu không đạt hiệu quả, lại làm khổ các doanh nghiệp trong nước. Cần phải quay lại vấn đề gốc của Nghị định 20 chứ không phải chỉ sửa đổi nâng trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30%.
Theo ông, Bộ Tài chính cần thay đổi quy định này từ gốc là chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp FDI. Đối với các doanh nghiệp trong nước đã có Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp điều chỉnh. Trong đó, các chi phí, thu nhập liên quan đến tài chính, lãi vay đều phải theo quy định của luật thuế là hợp lý, hợp lệ
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com