Nghị định mới về các dự án BT: Rõ ràng quyền lợi đối ứng

(ĐTCK) Sau thời gian dài chờ đợi, cuối cùng các địa phương và nhà đầu tư dự án BT (xây dựng - chuyển giao, hay còn gọi là đổi đất lấy hạ tầng) cũng thở phào nhẹ nhõm khi Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 69/2019/NĐ-CP.
Nghị định 69 ra đời giúp khơi thông điểm nghẽn cho nhiều dự án BT. Ảnh: Dũng Minh Nghị định 69 ra đời giúp khơi thông điểm nghẽn cho nhiều dự án BT. Ảnh: Dũng Minh

Lối thoát cho dự án BT

Theo ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao có hiệu lực từ ngày 1/10/2019 tới được kỳ vọng sẽ khắc phục triệt để các sai phạm trong việc sử dụng đất công để đổi lấy hạ tầng trước đây.

Thời điểm trước khi Nghị định 69/2019/NĐ-CP ra đời, một trong những vấn đề nan giải nhất đối với các cơ quan quản lý nhà nước là giải quyết để các nhà đầu tư, doanh nghiệp vẫn phát triển các công trình hạ tầng hoàn thành theo đúng mục tiêu, nhưng cũng phải quy định chặt chẽ để Nhà nước tránh thất thoát. Bởi trên thực tế, từng xuất hiện tình trạng giá trị công trình BT và quỹ đất được giao chưa ngang giá.

“Khi nhà đầu tư xây dựng công trình BT là bờ ven bãi sú hoang vu, nhưng sau đó được đầu tư, thậm chí chỉ là thông tin quy hoạch, lập tức giá thị trường tăng lên. Trường hợp này, nếu xử lý thiếu khéo léo sẽ gây tổn hại cho nhà đầu tư. Song nếu không xem xét cụ thể sẽ gây thất thoát cho Nhà nước nếu phải thanh toán dự án BT. Trong trường hợp này, phải xử lý hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, nhưng không được làm triệt tiêu động lực của nhà đầu tư”, ông Thịnh lấy ví dụ.

Cũng theo ông Thịnh, về nguyên tắc thanh toán dự án BT bằng tài sản công, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá. Giá trị dự án BT tương đương với giá trị tài sản công thanh toán. Trong đó, giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán, giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu.

“Khi địa phương cần xây dựng một cây cầu có giá trị 200 tỷ đồng, thì mảnh đất được mang ra đổi cũng phải có giá trị tương đương. Trong trường hợp giá trị mảnh đất cao hơn giá trị công trình, thì nhà đầu tư phải trả phần chênh lệch cho ngân sách. Còn trường hợp giá trị mảnh đất thấp hơn giá trị công trình, thì ngân sách sẽ bù tiền cho nhà đầu tư. Khi thực hiện nguyên tắc ngang giá, không thể nhà đầu tư làm một cây cầu 200 tỷ đồng mà giao họ miếng đất 2.000 tỷ đồng”, ông Thịnh nói.

Một điểm đáng chú ý khác của Nghị định 69/2019/NĐ-CP, đó là quy định việc giao tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT được thực hiện sau khi dự án BT hoàn thành, hoặc thanh toán theo tiến độ dựa trên pháp luật về đầu tư, xây dựng.

“Trước khi có Nghị định 69/2019/NĐ-CP, nhiều nhà đầu tư hứa xây cầu đổi đất, nhưng có trường hợp chính nhà đầu tư lại không xây cầu, mà mải mê lấy đất để đi kinh doanh bất động sản. Tất cả do hệ thống pháp luật không đầy đủ. Khi Nghị định 69/2019/NĐ-CP có hiệu lực, sẽ không còn cảnh hứa hẹn suông nữa. Với quy trình quy định rất rõ về việc sử dụng đất, nhà đầu tư khó có thể đưa đất ra thị trường kinh doanh. Nhà đầu tư phải có phương án tài chính và kế hoạch đầu tư rất rõ ràng mới được lựa chọn”, ông Thịnh cho hay.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), địa phương đang triển khai nhiều dự án đầu tư theo hình thức BT cho biết, Nghị định 69 được ban hành như một lối thoát cho các dự án BT.

Một điểm đáng chú ý nữa là Nghị định 69 quy định, nhà đầu tư phải bỏ hoàn toàn kinh phí để giải phóng mặt bằng dự án đối ứng, Nhà nước chỉ đứng ra giải phóng mặt bằng. Do đó, muốn dự án thi công triển khai, nhanh thu hồi vốn, thì doanh nghiệp phải có tài chính để làm các khu đất đối ứng. Điều đó cũng giảm các dự án chậm tiến độ, “dự án chết”, gây ảnh hưởng xấu đến việc đầu tư tại địa phương.

Trước đó, ngày 31/5/2019, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, phương thức đầu tư theo hình thức BT đã được thực hiện thực tế trước khi Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Việc xây dựng Nghị định sử dụng tài sản công để thanh toán dự án BT đặt ra yêu cầu phải xử lý hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và khắc phục những tồn tại, hạn chế tiêu cực trong thời gian vừa qua. Chính phủ đã xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng nhiều mặt để vừa đảm bảo mục tiêu chặt chẽ, đúng pháp luật, vừa đảm bảo không hồi tố, đồng thời phải xử lý, giải quyết hài hòa lợi ích như trên.

Quan trọng là thực thi

Nghị định 69 được ban hành với nhiều quy định rõ ràng, được kỳ vọng sẽ giúp khơi thông cho nhiều dự án BT đang bị tắc hiện nay. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là việc thực thi như thế nào để Nghị định sớm đi vào cuộc sống.

Theo quy định của Nghị định 69, đối với các hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT đã được ký kết theo đúng quy định của pháp luật trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán cho nhà đầu tư, thì tiếp tục thực hiện việc thanh toán theo nội dung hợp đồng BT đã ký kết.

Quy định này đã khẳng định nguyên tắc tôn trọng hợp đồng đã ký kết, củng cố niềm tin của nhà đầu tư khi tham gia vào các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) nói chung và theo hợp đồng BT nói riêng.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia về PPP, các dự án BT ký hợp đồng trước 1/1/2018 chủ yếu là chỉ định thầu. Tuy hợp đồng được tôn trọng, nhưng cần tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo tại Nghị quyết 160/NQ-CP ngày 28/1/2018 của Chính phủ. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư cần rà soát lại các hợp đồng BT đã ký kết và đang thực hiện, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, không làm thất thoát tài sản công, không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm.

Trường hợp phát hiện có vi phạm nhưng chưa gây thất thoát tài sản nhà nước thì phải điều chỉnh lại hợp đồng BT; nếu phát hiện vi phạm (vi phạm pháp luật về ngân sách nhà nước, xây dựng, quản lý đất đai, đấu thầu, đầu tư công, quản lý tài sản công...) thì phải điều chỉnh hoặc hủy hợp đồng BT, kịp thời thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư một địa phương có nhiều dự án BT cho biết, Nghị định 69 tuy đã quy định dự án ký kết hợp đồng trước 1/1/2018 thì thực hiện theo hợp đồng, nhưng đồng thời lại quy định thêm: “Trường hợp các nội dung liên quan đến việc thanh toán chưa được quy định rõ trong hợp đồng BT, thì áp dụng các quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và pháp luật có liên quan có hiệu lực tại thời điểm thanh toán”.

Theo vị này, cụm từ “chưa được quy định rõ” sẽ gây lúng túng trong thực hiện, xác định thế nào là rõ hay chưa rõ, có thể phát sinh tâm lý e dè, chần chừ trong thực hiện.

“Trong Luật Đất đai không có quy định về đấu thầu, mà chỉ đấu giá, nên có thể khiến việc triển khai nội dung quy định trên gặp khó”, đại diện này cho biết.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Nhất Nam
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục