Đề xuất dừng dự án BT hơn 2.600 tỷ đồng tại TP.HCM

Dự án Đầu tư xây dựng cầu đường Bình Tiên là dự án thuộc nhóm A, theo hình thức BT, có quy mô lớn, được kỳ vọng góp phần tích cực giảm ùn tắc giao thông của TP.HCM, song lại có tiến độ “rùa”.
Dự án cầu đường Bình Tiên nhằm giảm ùn tắc giao thông cho TP.HCM đang bị dừng vì vướng cơ chế. Ảnh: Lê Toàn Dự án cầu đường Bình Tiên nhằm giảm ùn tắc giao thông cho TP.HCM đang bị dừng vì vướng cơ chế. Ảnh: Lê Toàn

Điều chỉnh, thay đổi nhiều lần

Theo Quyết định số 6146/QĐ-UBND ngày 19/12/2011 của UBND TP.HCM, Dự án được đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT (dự án BT), với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 2.382,73 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng)…

Dự án có điểm đầu từ nút giao đường Bình Tiên - Phạm Văn Chí (quận 6), kết nối vào đại lộ Nguyễn Văn Linh (điểm cuối dự án, thuộc huyện Bình Chánh). Dự án có hai nhánh cầu cạn được xây dựng kết nối với tuyến cầu chính để tạo thành hệ thống đường liên tục trên phường 14 (quận 8) kết nối với cầu Bình Tiên…

Cũng theo quyết định này, dự kiến thời gian thực hiện dự án là 4 năm (thời gian thi công chính thức được xác định tại Hợp đồng BT ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư).

Tuy nhiên, mọi việc sau đó đã không diễn ra theo kế hoạch, mà khởi đầu là việc dừng đàm phán Hợp đồng BT với Tổng công ty Xây dựng số 1 (nhà đầu tư dự án) vào tháng 6/2014, lý do là bởi đơn vị này chưa tính toán được phương án hoàn vốn.

Tiếp đó, ngành chức năng đề xuất phương án chỉ định nhà đầu tư và thực hiện tuyển chọn trước khi lập thủ tục chỉ định do có nhiều nhà đầu tư xin tham gia đầu tư Dự án.

Sau khi thực hiện thủ tục tuyển chọn nhà đầu tư, Thành phố đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tách Dự án thành 2 tiểu dự án. Cụ thể, Tiểu dự án 1 (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Tạ Quang Bửu) và Tiểu dự án 2 (đoạn từ đường Tạ Quang Bửu đến đường Nguyễn Văn Linh).

Đến tháng 10/2016, UBND TP.HCM ban hành 2 quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện 2 tiểu dự án, làm cơ sở đàm phán Hợp đồng dự án BT.

Đến tháng 4/2018, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 1395/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án BT và kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

Trong đó, đáng chú ý là điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 2.382,73 tỷ đồng lên 2.607,451 tỷ đồng. Ngoài ra, một số điều chỉnh về chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, giá trúng thầu, thời gian thực hiện dự án, phương thức thu hồi vốn…

Tiếp đó, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TP.HCM được giao ký kết thỏa thuận đầu tư với các nhà đầu tư, đồng thời lấy ý kiến các sở, ngành, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi hoàn thiện và ký kết hợp đồng chính thức…

Đề xuất dừng Dự án BT

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, Dự án này thuộc danh mục chương trình giảm ùn tắc giao thông Thành phố. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần giải quyết nhu cầu cấp bách về tăng cường kết nối giao thông từ trung tâm Thành phố với Khu đô thị phía Nam, hình thành liên kết vùng với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án Đầu tư xây dựng cầu đường Bình Tiên phê duyệt từ năm 2011, trong thời gian qua, các quy định pháp luật liên quan đến hình thức BT đã có nhiều thay đổi   

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Dự án này vẫn chưa thể thực hiện theo các quyết định được ban hành hơn 1 năm trước.

Lý do bởi, theo các quy định hiện hành, nếu tiếp tục thực hiện dự án này theo kết quả chỉ định nhà đầu tư, thì cần phải điều chỉnh quyết định phê duyệt dự án, quyết định chỉ định nhà đầu tư, trong đó phải cập nhật bổ sung nội dung quỹ đất thanh toán (diện tích đất, giá đất…). Tức là, để hoàn tất hợp đồng sẽ phải xác định rõ quỹ đất thanh toán cho dự án BT, trong khi hiện nay việc thanh toán đang phải tạm dừng chờ hướng dẫn.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, Dự án được phê duyệt từ năm 2011, trong thời gian qua, các quy định pháp luật liên quan đến hình thức BT đã có nhiều thay đổi, trong đó, một số điều kiện triển khai dự án liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, thanh toán… quy định khác trước.

Quan trọng hơn, theo ông Tuấn, Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 28/12/2018 của Chính phủ quy định, đối với các dự án BT đã hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư trước ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành, nhưng chưa ký hợp đồng BT, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng BT đảm bảo tuân thủ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, pháp luật về đất đai, pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan.

Đó cũng là lý do mà mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản đề xuất những điều chỉnh, thay đổi với dự án này.

Theo nhận định của đơn vị này, chủ trương, thẩm quyền, trình tự chỉ định nhà đầu tư BT cần phải rà soát cho phù hợp, bổ sung các nội dung và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, trong khi việc thanh toán BT chưa có quy định. Vì vậy, trong trường hợp tiếp tục chỉ định nhà đầu tư theo hình thức BT, sẽ phải chờ hướng dẫn, kéo dài thời gian hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Do vậy, xét tính chất cấp bách về đầu tư dự án, Sở GTVT kiến nghị UBND Thành phố không thực hiện đầu tư Dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên theo hình thức BT, chấm dứt đàm phán hợp đồng với các đơn vị đã được chỉ định làm nhà đầu tư; giao Sở GTVT thông báo các đơn vị nêu trên chấm dứt thỏa thuận đầu tư (theo kết quả chỉ định, kết quả đàm phán đã thực hiện).

“Bố trí vốn ngân sách thành phố để lập chủ trương đầu tư và thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; đối với phần xây lắp, đầu tư bằng ngân sách thành phố hoặc kêu gọi đầu tư theo hình thức Hợp đồng BLT (hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao)”, văn bản của Sở GTVT nêu.

Hồng Sơn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục