Mới đây, Bộ Công Thương ban hành dự thảo thông tư Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam (made in Vietnam) với mong muốn loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về xuất xứ.
Ngoài ra theo cơ quan soạn thảo, việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định 43.
Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.
Ngay sau khi dự thảo được đăng công khai lấy ý kiến, nhiều chuyên gia đã lên tiếng bày tỏ quan điểm. Trong đó, một vấn đề cần làm rõ nhất tại dự thảo lần này chính là công thức tính hàm lượng giá trị gia tăng (VAC).
Một số chuyên gia cho rằng, việc lượng hóa các chi phí đầu vào để xác định tỷ lệ 30% để gắn mác xuất xứ Việt Nam là điều khó làm và quá phức tạp. Giả sử một sản phẩm nông sản, doanh nghiệp nhập giống từ Trung Quốc, mua phân bón từ Nhật Bản, thuốc trừ sâu của Mỹ... thì đầu vào tính 30% thế nào?
Ngoài ra, theo dự thảo những sản phẩm có hàm lượng VAC lớn hơn 30% được ghi Made in Vietnam, vậy những hàng hóa có hàm lượng VAC nhỏ hơn 30% thì được ghi dán nhãn như thế nào?
Băn khoăn nói trên đã được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề cập và làm rõ hơn tại buổi trao đổi với báo chí ngày 14/7.
Ông Khánh đặt một câu hỏi tương tự: Vậy cây xoài lấy giống từ Thái Lan đem về Việt Nam trồng thì quả xoài có được coi là sản phẩm của Việt Nam không?
Trả lời câu hỏi chính mình nêu ra, ông Khánh nói: Khoản 1 Điều 8 Dự thảo Thông tư quy định "Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam được coi là hàng hóa có xuất xứ thuần túy".
"Vì vậy, cây xoài mặc dù lấy giống từ Thái Lan nhưng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam thì quả xoài được coi là sản phẩm của Việt Nam", ông Khánh nói.
Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cũng có những lý giải cụ thể hơn vì sao lại chọn tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa không cao hơn 30%, thậm chí tới 50% hoặc 60% như một số quốc gia.
Theo vị này, nếu đặt ra các ngưỡng cao hơn 30% hoặc bổ sung thêm điều kiện không khó, chỉ cần thay 2 chữ số, viết thêm vài câu là xong.
"Nhưng nếu vậy sẽ xuất hiện tình huống oái oăm là cả thế giới công nhận nhưng riêng Việt Nam lại không công nhận một sản phẩm nào đó là sản phẩm của mình", ông Khánh nói.
Ông Khánh cho biết thêm, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, hàm lượng giá trị gia tăng được gọi "hàm lượng giá trị khu vực" (RVC) và cho phép cộng gộp xuất xứ của các nước thành viên.
Chẳng hạn, với hàm lượng giá trị khu vực 40% trong ASEAN thì 1 sản phẩm có 20% giá trị của Thái Lan, 10% của Philippines, 5% của Lào và 5% của Việt Nam sẽ được coi là đạt tiêu chí xuất xứ ASEAN và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D.
Dự thảo Thông tư "made in Vietnam" quy định chặt hơn, nghĩa là tỷ lệ giá trị gia tăng 30% là chỉ tính riêng giá trị của Việt Nam.
"Như thế nhiều sản phẩm có thể đáp ứng xuất xứ ASEAN và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D, nhưng chưa chắc đã đủ điều kiện để được coi là hàng hóa của Việt Nam", ông Khánh cho biết.
Ngoài ra Thứ trưởng Khánh cũng cho biết, nếu doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào từ nhiều nước khác nhau, sản phẩm cuối cùng lại không đủ điều kiện để thể hiện là hàng hóa của Việt Nam thì doanh nghiệp sẽ thể hiện xuất xứ theo quy định của Nghị định 43/2017, tức là tự xác định và tự chịu trách nhiệm, miễn là đừng ghi xuất xứ Việt Nam.