Dự báo đó đã xảy ra, người tiêu dùng giờ đây ra đường nếu quên mang ví có thể đi tiếp, nhưng nếu quên điện thoại thì phải quay về vì từ giao tiếp, giấy tờ cá nhân, hoạt động giải trí, đến thanh toán… đều trên một thiết bị.
Cuộc cách mạng về số hóa được tăng tốc mạnh mẽ qua đại dịch Covid-19 đã thay đổi nhiều ngành kinh tế, trong đó đáng kể nhất phải kể tới ngành ngân hàng. Các cây ATM một thời lo nghẽn dịp Tết giờ sắp thành vô dụng, chỉ các cây ATM có chức năng nộp tiền còn đông người dùng, còn nếu chỉ có chức năng rút tiền thì khách vãn dần. Kịch bản những chiếc cột điện thoại dùng thẻ cách đây 20 năm bị gỡ bỏ vì sự phổ biến của điện thoại di động đang lặp lại.
QR code hay chuyển khoản chỉ là một trong rất ít dịch vụ thanh toán xuất hiện nhờ quá trình số hóa ngành ngân hàng, nếu đi vay tiền mua nhà, chỉ cần khai đủ thông tin trong vài giây bạn sẽ nhận được kết quả về lãi suất và hạn mức vay của mình thay vì phải chờ vài ngày như trước, đây là một ví dụ khác mà số hóa mang lại.
Tiện ích nhờ công nghệ mang lại là rất lớn, và còn lớn hơn nữa nhờ cuộc cách mạng số đang diễn ra. Nhưng một yếu tố tiên quyết để quá trình này thành công chính là dữ liệu, các máy học (ML) hay trí tuệ nhân tạo (AI) không thể học hay tiến hóa nếu thiếu đầu vào. Vì vậy dữ liệu trở thành một tài sản đắt giá, các sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học dữ liệu (data science) đang được săn đón và nhận mức lương khởi điểm cao hơn cả những người làm tài chính lâu năm.
Khái niệm “làm sạch dữ liệu” cũng hiện diện ở nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội, từ lớn như dữ liệu dân cư hay nhỏ hơn là dữ liệu vay vốn. Ngành ngân hàng cùng C06 (Bộ Công an) đã làm sạch 42 triệu hồ sơ khách hàng vay vốn, mục tiêu tiếp theo là 54 triệu. Các ngân hàng thương mại bỏ hàng trăm triệu USD để chuẩn hóa dữ liệu và đưa lên nền tảng đám mây (cloud),…
Nhưng song song với quá trình đó là tội phạm về dữ liệu cũng đang xuất hiện rất lớn, nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu người dùng trái phép, việc mạo danh lừa đảo trên mạng hay lừa đảo lấy cắp mật khẩu, mã OTP ngân hàng,… ngày càng nhiều với thủ đoạn tinh vi, phức tạp.
Với ngành ngân hàng, còn có một bài học cần phải nhắc thêm đó là tình trạng “trăm hoa đua nở”, mỗi ngân hàng đi theo một nhánh phát triển khác nhau và sản phẩm không có tính kết nối. Trong quá khứ, vẫn là những chiếc ATM, mỗi ngân hàng đều chạy độc lập và không cho thẻ của ngân hàng khác sử dụng, sau đó với nhiều nỗ lực kết nối mới tạo ra 2 liên minh thẻ khác biệt, cuối cùng sau hàng chục năm mới có một Công ty thanh toán quốc gia (Napas) thống nhất hệ thống thanh toán toàn ngành với nhau.
Chuyển đổi số, tại một bài viết trong tiêu điểm số báo này về dữ liệu ngân hàng được các chuyên gia ví như một cuộc “đại chuyển đổi”, chuyển đổi từ phương thức giao tiếp tới cách thức làm việc hay vận hành một tổ chức, một quốc gia. Một nền tảng mới đang dần hình thành nhờ công nghệ, nhưng cũng như nền tảng cũ với sự tương tác trực diện và các công cụ hữu hình, đều có hai mặt vấn đề với người dùng.
Dữ liệu, công nghệ cho phép con người có thể làm được nhiều điều hơn quá khứ, thậm chí có cả những điều chưa tưởng tượng ra sẽ xuất hiện, nhưng kiểm soát quá trình đó để phát huy giá trị những tiện ích mang lại đồng thời hạn chế mặt tiêu cực cũng cần đặc biệt phải lưu tâm.
Ban Biên tập