Việt Nam đang đặt mục tiêu hướng đến tỉ lệ đóng góp vào GDP của nền kinh tế số chiếm 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số được định nghĩa là nền kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số, với các hoạt động kinh tế bằng công nghệ số và nền tảng số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành trên internet.
Báo cáo Vietnam Customers Experience Excellence (CEE - Cung cấp trải nghiệm khách hàng xuất sắc) của KPMG năm 2022 cho thấy trong bảng xếp hạng Top 10 có đến 4 thương hiệu trong nước là PNJ, Viettel, Vietnam Airlines và Sacombank. Trong đó, 3/4 thương hiệu này đều có thành tích kinh doanh khả quan trong năm 2022 gắn liền với nhiều hoạt động chuyển đổi số.
Chẳng hạn, Viettel đạt doanh thu đạt 163.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 43.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 6% và 3% so với năm 2021, đồng thời là mức lãi lớn nhất của doanh nghiệp này trong 5 năm trở lại đây. Tương tự là tình hình kinh doanh khả quan của PNJ và Sacombank. Năm 2022, PNJ đạt doanh thu thuần 33.876 tỷ đồng (tăng 73%) và lợi nhuận sau thuế 1.807 tỷ đồng (tăng 75,6%) so với cùng kỳ. Sacombank cũng ghi nhận lãi trước thuế hơn 6.300 tỷ đồng, tăng 142%.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ. Trong đó bao gồm tự động hóa trên nền tảng dữ liệu, phân tích và trí tuệ nhân tạo. Sự đầu tư với hai mục tiêu chính là tăng hiệu suất vận hành trong khi giảm chi phí và gia tăng giá trị và trải nghiệm khách hàng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp gặp những rào cản như: Tư duy nhận thức của lãnh đạo về chuyển đổi số, văn hóa cục bộ phòng ban, nhân viên tiêu cực, lợi ích nhóm, sợ nghĩ làm cùng lúc nhiều việc, sợ minh bạch, sợ mất dữ liệu, không bảo mật, nhân sự còn yếu kém CNTT, không giới hạn mục tiêu…
Thực trạng này thể hiện trong những trường hợp Syllog đã tư vấn trong thời gian từ 2021-2023. Các công ty được Syllog tư vấn đang rơi vào tình trạng dàn trải và loay hoay ở các bước đầu của số hoá. Đặc biệt, khá nhiều công ty ở việt nam và thị trường Đông Nam Á rơi vào tình trạng chuyển đổi số nửa đường.
Minh chứng, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực bán hàng online (marketplaces). Khi mới bắt đầu có nhu cầu chuyển đổi số, công ty không có đội ngũ data (bao gồm không có cả data engineer, data analyst). Tuy là một công ty công nghệ với rất nhiều dữ liệu được góp nhặt qua các giao dịch qua website và app, song công ty vẫn chưa xây dựng cơ sở dữ liẹu và loay hoay với ngay cả những việc đơn giản nhưng rất cấp thiết như: làm báo cáo cho nhà đầu tư hàng tháng…
Trong khi đó, không hiếm các công ty lớn nhỏ cũng rơi vào tình trạng chuyển đổi số nửa đường.
Đối với những công ty công nghệ lớn, họ đã có tất cả dữ liệu được lưu trữ, có hệ thống báo cáo tự động. Tuy nhiên, do có nhiều phòng ban có quá trình phát triển khá nhanh, mỗi phòng ban sẽ tự có chỉ tiêu và cách tính riêng, khiến không thể thống nhất và có cái nhìn toàn cảnh.
Theo bà Hạnh Nguyễn, Co-Founder của Syllog Singapore, điều quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số cho công ty (thay đổi toàn bộ quá trình thu thập dữ liêu, báo cáo…) không chỉ tạo ra văn hoá sử dụng số liệu, dữ liệu tới công ty, tự động hoá trên nền tảng dữ liệu mà còn tiết kiệm nhân lực để công ty chuyển sang giai đoạn phân tích dữ liệu và áp dụng trí tuệ nhân tạo nhờ có hệ thống dữ liệu chuẩn. Sau đó tiếp tục khai thác dữ liệu để tối ưu hoá chi phí và tăng lợi nhuận.