Theo dữ liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố trong ngày thứ Sáu (5/7), trong tháng 6, lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ tạo thêm 224.000 việc làm, cao hơn nhiều mức kỳ vọng và mức cao nhất trong 10 tháng.
Dữ liệu này khiến kỳ vọng về khả năng Fed giảm lãi suất thấp đi, đẩy chứng khoán Mỹ quay đầu giảm trở lại trong phiên cuối tuần. Dù vậy, nhờ giá dầu tăng mạnh, đẩy nhóm cổ phiếu năng lượng tăng cao hãm bớt đà giảm của phố Wall.
Kết thúc phiên 5/7, chỉ số Dow Jones giảm 43,88 điểm (-0,16%), xuống 26.922,12 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,41 điểm (-0,18%), xuống 2.990,41 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 8,44 điểm (-0,10%), xuống 8.161,79 điểm.
Dù giảm trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng với những phiên tăng mạnh trước đó, phố Wall đã tăng mạnh trở lại trong tuần qua sau tuần điều chỉnh nhẹ trước đó. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,21%, chỉ số S&P 500 tăng 1,65% và chỉ số Nasdaq tăng 1,94%.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt giảm trong phiên cuối tuần khi dữ liệu việc làm của Mỹ tốt hơn dự kiến khiến kỳ vọng Fed giảm lãi suất ít đi.
Kết thúc phiên 5/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 50,44 điểm (-0,66%), xuống 7.553,14 điểm. Chỉ số DAX tại Đức 61,37 điểm (-0,49%), xuống 12.568,53 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 27,00 điểm (-0,48%), xuống 5.593,27 điểm.
Tương tự, dù giảm trong phiên cuối tuần, nhưng với chuỗi tăng liên tiếp trước đó, chứng khoán châu Âu có tuần tăng thứ 5 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 1,72%, chỉ số DAX tăng 1,37% và chỉ số CAC40 tăng 0,98%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường biến động nhẹ khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ được công bố sau đó mấy tiếng.
Kết thúc phiên 5/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 43,93 điểm (+0,20%), lên 21.746,38 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,81 điểm (+0,19%), lên 3.011,06 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 20,94 điểm (-0,07%), xuống 28.774,83 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,21%, chỉ số Hang Seng tăng 0,81%, tuần tăng thứ 5 liên tiếp, trong khi chỉ số Shanghai đảo chiều tăng 1,08% sau tuần điều chỉnh trước đó.
Tương tự chứng khoán, giá vàng cũng giảm mạnh trong phiên cuối tuần khi kỳ vọng về khả năng Fed giảm lãi suất giảm đi nhiều sau dữ liệu việc làm tháng 6 của Mỹ được công bố.
Kết thúc phiên 5/7, giá vàng giao ngay giảm 19,9 USD (-1,41%), xuống 1.398,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 17,9 USD (-1,26%), xuống 1.400,1 USD/ounce.
Sau khi tăng mạnh thiết lập mức đỉnh 6 năm, giá vàng đã đảo chiều giảm nhẹ trong tuần qua. Cụ thể, chốt tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,75% sau 5 tuần tăng liên tiếp, giá vàng tương lai cũng đảo chiều giảm 0,96%, sau 2 tuần tăng liên tiếp.
Dù hạ nhiệt trở lại trong tuần qua, nhưng giới đầu tư và chuyên gia vẫn đặc cược vào khả năng giá kim loại quý này sẽ tăng trở lại trong tuần mới.
Cụ thể, trong 16 chuyên gia trả lời, có 8 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 50%, thấp hơn so với mức 59% của tuần trước. Có 4 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 25%, cao hơn con số 6% của tuần trước và có 4 người dự báo đi ngang, chiếm 25%.
Tương tự, trong 721 người tham gia trả lời khảo sát trực tuyến, có 470 người dự báo giá sẽ tăng, chiếm 65%, cao hơn so với con số 54% của tuần trước, 144 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 20%, thấp hơn so với mức 27% của tuần trước và 107 người dự báo giá đi ngang, chiếm 15%.
Trong khi đó, giá dầu tăng trở lại trong phiên cuối tuần khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng sau khi Iran tuyên bố làm giàu đủ lượng Uranium vượt mức trong thỏa thuận. Ngoài ra, việc OPEC gia hạn thời gian cắt giảm sản lượng, cùng với kho dự trữ của Mỹ tuần trước giảm 1,1 triệu thùng, thấp hơn so với con số 5 triệu thùng của giới phân tích cũng góp phần giúp giá dầu tăng trở lại.
Kết thúc phiên 5/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,17 USD (+0,30%), lên 57,51 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,93 USD (+1,47%), lên 64,23 USD/thùng.
Dù tăng trong phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô vẫn có tuần điều chỉnh sau 2 tuần tăng liên tiếp trước đó. Cụ thể, giá dầu thô Mỹ giảm 1,64%, giá dầu thô Brent giảm 3,49%.