Sau thương chiến, giới đầu tư chờ đợi Fed

(ĐTCK) Giới đầu tư thận trọng trở lại trong phiên thứ Ba (2/7) khi nghi ngờ Mỹ - Trung sẽ đạt được một thỏa thuận lâu dài, trong khi Mỹ lại đe dọa đánh thuế lên hàng hóa của EU. Tuy nhiên, phố Wall vẫn duy trì đà tăng khi nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào Fed.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Sau phiên tăng vọt đầu tuần mới khi phản ứng tích cực với việc Mỹ - Trung ngừng chiến để ngồi lại vào bàn đàm phán thương mại, phố Wall đã lình xình trở lại trong phiên thứ Ba khi tâm lý nhà đầu tư thận trọng trở lại.

Dù Mỹ - Trung đã tuyên bộ tạm ngừng chiến để quay lại bàn đàm phán, Mỹ cũng đã cởi dần lệnh cấm vận với Huawei, nhưng giới đầu tư nghi ngờ về khả năng 2 bên sẽ đạt được thỏa thuận lâu dài.

Trong khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa được xoa dịu, thì giới đầu lại nhận thông tin kém khả quan khi Mỹ đe dọa đánh thuế lên 4 tỷ USD hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU) trong tranh chấp về bảo hộ nhà sản xuất máy bay Airbus.

Dù lình xình đi ngang quanh tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch, nhưng 3 chỉ số chính của phố Wall đã đồng loạt quay đầu tăng điểm trong ít phút cuối phiên khi giới đầu tư đặt kỳ vọng vào khả năng Fed giảm lãi suất sau giữ liệu kinh tế vừa công bố có dấu hiệu chậm lại.

Kết thúc phiên 2/7, chỉ số Dow Jones tăng 69,25 điểm (+0,26%), lên 26.786,68 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,68 điểm (+0,29%), lên 2.973,01 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 17,93 điểm (+0,22%), lên 8.109,09 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, nhóm cổ phiếu tiện ích và tiêu dùng giúp thị trường này duy trì đà tăng nhẹ, vượt qua lời đe dọa đánh thuế của ông Trump.

Kết thúc phiên 2/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 61,69 điểm (+0,82%), lên 7.559,19 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 5,34 điểm (+0,04%), lên 12.526,72 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 8,91 điểm (+0,16%), lên 5.576,82 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản hạ nhiệt, chứng khoán Trung Quốc điều chỉnh nhẹ sau phiên khởi sắc đầu tuần khi nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận lâu dài. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tăng vọt để lấy những gì đã bỏ lỡ trong phiên đầu tuần do nghỉ giao dịch.

Kết thúc phiên 2/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 24,3 điểm (+0,11%), lên 21.754,27 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,96 điểm (-0,03%), xuống 3.043,94 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 332,94 điểm (+1,17%), lên 28.875,56 điểm.

Trên thị trường vàng, sau 2 phiên điều chỉnh, giá vàng đã tăng vọt trở lại trong phiên thứ Ba lên lại trên mốc 1.400 USD/ounce khi một cuộc chiến thương mại mới đang được châm ngòi, trong khi cuộc chiến cũ chưa giải quyết xong. Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế mới công bố kém khả quan, cùng với đồng USD sụt giảm cũng hỗ trợ tích cực cho giá kim loại quý này.

Kết thúc phiên 2/7, giá vàng giao ngay tăng 34,4 USD (+2,49%), lên 1.418,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 18,7 USD (+1,35%), lên 1.408,0 USD/ounce.

Trên thị trường dầu mỏ, dù OPEC kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng, nhưng với dữ liệu kinh tế kém khả quan vừa công bố, khiến nỗ lo giảm cầu lấn át, đẩy giá dầu thô lao dốc trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 2/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,84 USD (-5,05%), xuống 56,25 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao tháng 9 giảm 2,66 USD (-4,26%), xuống  62,40 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục