Sau những thông tin về kinh tế vĩ mô, giới đầu tư trên phố Wall hiện đang tập trung hết vào kết quả kinh doanh quý III/2015 của các doanh nghiệp niêm yết.
Số liệu của Thomson Reuters thêm vào những lo lắng về triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ khi lợi nhuận của các doanh nghiệp trong S&P 500 dự báo giảm hơn 4% so với cùng kỳ.
Trong phiên thứ Tư, phố Wall tiếp tục có phiên giảm điểm do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh và triển vọng kém khả quan của một số tập đoàn. Theo đó, cổ phiếu của Wal-Mart giảm tới 10%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2009 sau khi dự báo EPS giảm tới 12% trong năm tài chính 2017.
Tương tự, cổ phiếu JP Morgan giảm 2,5% sau khi ngân hàng này báo cáo kết quả kinh doanh quý III đáng thất vọng.
Số liệu cho thấy, doanh số bán lẻ hầu như không tăng trong tháng 9 (tăng 0,1%), thấp hơn mức dự báo 0,2% và cũng là mức tăng của tháng 8, ảnh hưởng tiêu cực lên cổ phiếu nhóm ngành này.
Tuy nhiên, đà giảm của phố Wall không quá mạnh khi dữ liệu về doanh số bán lẻ thất vọng làm tăng thêm khả năng Fed không tăng lãi suất trong năm nay.
Kết thúc phiên 14/10, chỉ số Dow Jones giảm 157,14 điểm (-0,92%), xuống 16.924,75 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,45 điểm (-0,47%), xuống 1.994,24 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 13,76 điểm (-0,29%), xuống 4.782,85 điểm.
Không chỉ ở Mỹ và châu Á, dữ liệu kinh tế yếu kém cũng đeo báo châu Âu. Theo dữ liệu vừa công bố, sản lượng công nghiệp trong khu vực đồng euro đã giảm 0,5% trong tháng 8 so với tháng 7, và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu này phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, nó cũng phản ánh sự yếu kém của khu vực và qua đó tác động không tốt lên tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Kết thúc phiên 14/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 72,67 điểm (-1,15%), xuống 6.269,61 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 116,97 điểm (-1,17%), xuống 9.915,85 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 34,35 điểm (-0,74%), xuống 4.609,03 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, theo cuộc thăm dò của Reuters, niềm tin của nhà sản xuất Nhật Bản tiếp tục sụt giảm trong tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 10 và dự kiến sẽ tiếp tục yếu trong thời gian tới. Báo cáo mới làm tăng thêm nỗi lo về sự suy thoái kéo dài của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và tạo áp lực cho các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản có thêm gói kích thích kinh tế.
Tại Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Trung Quốc chỉ tăng 1,6%, thấp hơn so với mức 2% trong tháng 8, tạo thêm lo lắng về giảm phát của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới,
Các thông tin trên khiến chứng khoán châu Á đồng loạt giảm trong phiên thứ Tư, trong đó chứng khoán Nhật Bản giảm gần 2%, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng giảm khá mạnh.
Kết thúc phiên 14/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 343,74 điểm (-1,89%), xuống 17.891 đểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 160,55 điểm (-0,71%), xuống 22.439,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 30,79 điểm (-0,93%), xuống 3.262,44 điểm.
Trong khi các dữ liệu kinh tế yếu kém khiến nhà đầu tư chứng khoán lo sợ, thì nó lại là thông tin hỗ trợ đắc lực cho giá vàng. Ngoài ra, việc đồng USD giảm mạnh trong phiên thứ Tư xuống mức thấp nhất 7 tuần cũng hỗ trợ cho giá vàng tăng cao trong phiên thứ Tư, lên mức cao nhất 3,5 tháng.
Kết thúc phiên 14/10, giá vàng giao ngay tăng 15,4 USD (+1,32%), lên 1.184,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 14,3 USD (+1,23%), lên 1.179,8 USD/ounce.
Trên thị trường dầu thô, việc Iran có thể gia nhập vào lượng cung thế giới sau thỏa thuận về hạt nhân của nước này, cũng như nền kinh tế Trung Quốc – một trong hai nước tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới tăng trưởng chậm lại tiếp tục gây áp lực lên giá dầu. Tuy nhiên, giá loại nhiên liệu này tránh được phiên giảm mạnh do nhận được sự hỗ trợ từ đồng USD giảm mạnh.
Kết thúc phiên 14/10, giá dầu thô Mỹ giảm 0,02 USD/thùng (-0,04%), xuống 46,64 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,09 USD (-0,18%), xuống 49,15 USD/thùng.