Dữ liệu kinh tế phát tín hiệu trái chiều, giới đầu tư lo lắng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall đóng cửa trái chiều trong phiên thứ Sáu (21/5), khép lại một tuần giao dịch đầy biến động bởi những lo ngại và đồn đoán về chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khi đối mặt với áp lực lạm phát gia tăng.
Dữ liệu kinh tế phát tín hiệu trái chiều, giới đầu tư lo lắng

Cuối tuần, các nhà đầu tư đối mặt với các báo cáo kinh tế trái chiều. Chỉ số PMI tổng hợp của Mỹ do IHS Markit nghiên cứu tăng lên mức cao kỷ lục 68,1 điểm trong tháng 5. Trong bộ chỉ số này, chỉ số của ngành dịch vụ tăng lên mức cao kỷ lục 70,1 điểm trong tháng 5 từ mức 64,7 của tháng 4. Trong khi đó, chỉ số của ngành sản xuất tháng 5 lập kỷ lục 61,5 điểm, cao hơn so với mức 60,5 điểm của tháng trước đó.

Theo IHS Markit, tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ Mỹ hiện ở mức cao nhất tính từ tháng 10/2009 với số lượng đơn đặt hàng mới tăng chóng mặt.

Tuy nhiên, dữ liệu về nhà ở lại khá thất vọng. Doanh số bán nhà có sẵn giảm 2,7% trong tháng 4 (đã được điều chỉnh theo mùa), theo Hiệp hội môi giới nhà đất Mỹ.

Mặt khác, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 21/5 cho biết, số ca tử vong trực tiếp và gián tiếp do Covid-19 trên toàn cầu có thể "bị đếm thiếu đáng kể" và số tử vong thật sự có thể từ 6-8 triệu người.

Kể từ lúc các ca bệnh COVID-19 đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc cuối năm 2019 tới nay, số liệu chính thức cho thấy đã có hơn 3,4 triệu người tử vong do Covid-19 trên toàn cầu.

Kết thúc phiên 21/5, chỉ số Dow Jones tăng 123,69 điểm (+0,36%), lên 34.207,84 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,26 điểm (-0,08%), xuống 4.155,86 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 54,75 điểm (-0,48%), xuống 13.470,99 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,51%, S&P 500 giảm 0,43%, Nasdaq Composite tăng 0,31%.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục tăng điểm vào thứ Sáu khi dữ liệu kinh tế lạc quan tạm thời xoa dịu nỗi lo lạm phát.

Khảo sát PMI châu Âu của IHS Markit cho thấy sự phục hồi tại châu Âu đang diễn ra nhanh hơn. PMI tổng hợp của khu vực Eurozone trong tháng 5 đạt 56,9 điểm, mức cao nhất trong 39 tháng, với chỉ số PMI dịch vụ ở mức cao nhất trong 35 tháng song chỉ số PMI sản xuất giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng, dù vậy vẫn ở mức cao, 62,8 điểm.

Kết thúc phiên 21/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 1,74 điểm (-0,02%), xuống 7.018.05 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 67,25 điểm (+0,44%), lên 15.437,51 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 42,83 điểm (+0,68%), lên 6.386,41 điểm.

Kết thúc tuần, FTSE 100 giảm 0,36%, DAX tăng 0,14%, CAC 40 tăng 0,02%.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng trong bối cảnh giới đầu tư đặt cược vào các cổ phiếu tăng trưởng đang có giá rẻ.

Chứng khoán Trung Quốc giảm do cổ phiếu tài chính và hàng tiêu dùng bị chốt lời.

Chứng khoán Hồng Kông gần như không đổi khi nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng nhích lên giúp bù đắp áp lực bán đối với cổ phiếu của các công ty truyền thông.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm do nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ chuyển sang trạng thái bán ròng.

Kết thúc phiên 21/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 219,58 điểm (+0,78%), lên 28.317,83 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 20,39 điểm (-0,58%), xuống 3.486,56 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 8,15 điểm (+0,03%), lên 28.458,44 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 5,86 điểm (-0,19%), xuống 3.156,42 điểm.

Trong tuần, Nikkei 225 tăng 0,83%, Shanghai Composite giảm 0,11%, Hang Seng tăng 1,54%, KOSPI tăng 0,1%.

Giá vàng phiên ngày thứ Sáu nới đà đi lên khi đồng USD tiếp tục yếu đi và các "cá mập" duy trì lực mua vàng, trong đó quỹ đầu tư tín thác vàng lớn nhất thế giới là SPDR Gold Trust đã mua thêm 25,58 tấn từ đầu tháng 5 tới nay, qua đó, nâng khối lượng vàng nắm giữ lên mức 1.037,09 tấn.

Kết thúc phiên 21/5, giá vàng giao ngày tăng 4,10 USD (+0,22%), lên 1.881,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 5,20 USD (-0,28%), xuống 1.876,70 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 2%, giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 1,8%.

Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 15 chuyên gia trên phố Wall, 11 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 3 người cho rằng giá vàng giảm và 1 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Đối với khảo sát trực tuyến với 1.037 người tham gia, 69% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 15% cho rằng giá vàng giảm và 16% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu tăng trở lại vào thứ Sáu sau ba phiên liên tiếp thua lỗ trong bối cảnh một cơn bão đang hình thành ở Vịnh Mexico đe doạ đến các giàn khoan tại đây. Trung tâm bão quốc gia Mỹ (NHC) cho biết, cơn bão hình thành ở phía tây Vịnh Mexico có 40% khả năng trở thành một cơn lốc xoáy trong vòng 2 ngày cuối tuần.

Tuần này, giá dầu phần lớn giảm do các nhà đầu tư chuẩn bị cho sự trở lại của nguồn cung dầu thô Iran sau khi các quan chức cho biết, Iran và các cường quốc thế giới đã đạt được tiến bộ trong thỏa thuận hạt nhân.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn lạc quan về sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu vào mùa hè này khi các chương trình tiêm chủng ở châu Âu và Mỹ đang tiến triển tốt sẽ thúc đẩy du lịch, dù các tình hình ở châu Á khá phức tạp.

Kết thúc phiên 21/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,64 USD (+2,65%), lên 63,54 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 1,33 USD (+2%), lên 66,44 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu WTI giảm 2,8%, giá dầu Brent giảm 3,3%.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ