Nhận tín hiệu ngầm từ Fed, giới đầu tư thoát hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall lao dốc mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (19/5) sau biên bản cuộc họp chính sách tháng 4 của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) được công bố, trong đó nhấn mạnh một cuộc tranh luận đang nổi lên tại ngân hàng trung ương về rủi ro lạm phát, dấu hiệu ngầm cho thấy Fed dường như đang tính đến chuyện thắt chặt chính sách.
Nhận tín hiệu ngầm từ Fed, giới đầu tư thoát hàng

Biên bản cuộc họp của Fed được công bố cho thấy cuộc tranh luận đang nổi lên trong ngân hàng trung ương về việc lạm phát gia sẽ tăng mạnh hơn và không còn là “nhất thời” khi Fed vẫn giữ chính sách tiền tệ nới lỏng phù hợp với tình hình khi đại dịch bùng phát.

Các biên bản cũng cho thấy một số thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cũng đã bắt đầu lưu ý đến khả năng thảo luận về thời điểm giảm mức mua tài sản gần 120 tỷ USD một tháng hiện tại của Fed, đặc biệt đặt trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục đạt được sự phục hồi nhanh chóng khi số ca nhiễm Covid-19 giảm và nhiều người dân Mỹ được tiêm chủng hơn.

Trở lại vào cuối tháng 4, FOMC đã bỏ phiếu nhất trí duy trì các chính sách nới lỏng, giữ lãi suất ở mức gần bằng 0% trong khi duy trì tốc độ mua tài sản hàng tháng. Chủ tịch Fed Jerome Powell, vào thời điểm đó, mô tả sự phục hồi kinh tế từ sau đại dịch Covid-19 là không đồng đều và không đầy đủ. Nhưng áp lực về giá cả đã gia tăng kể từ đó.

Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic hôm thứ Tư cho biết, ông vẫn cởi mở với “mọi kịch bản” vì nó liên quan đến triển vọng nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi từ đại dịch. Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard cũng nói với các phóng viên hôm thứ Tư rằng Fed, đã “phác thảo” kế hoạch để lạm phát có thể tăng trên 2% trong năm nay và năm tới, nhưng sẽ vẫn nhanh nhẹn trong phản ứng của mình.

Các nhà phân tích tại UniCredit nhận định, việc thắt chặt chính sách có thể sẽ được thảo luận vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay, với thông báo chính thức vào tháng 12 và bắt đầu thực hiện vào quý I năm 2022.

Kết thúc phiên 19/5, chỉ số Dow Jones giảm 164,62 điểm (-0,48%), xuống 34.896,04 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 12,15 điểm (-0,29%), xuống 4.115,68 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,90 điểm (-0,03%), xuống 13.299,74 điểm.

Chứng khoán châu Âu nhuốm sắc đỏ trong phiên đêm qua, ghi nhận phiên tồi tệ nhất trong vòng một tuần qua do chịu ảnh hưởng từ sự suy yếu trên Phố Wall khi các nhà đầu tư ngày càng cảnh giác với áp lực lạm phát gia tăng làm tăng khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ sớm.

Kết thúc phiên 19/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 84,04 điểm (-1,19%), xuống 6.950,20 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 273,02 điểm (-1,77%), xuống 15.113,56 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 91,12 điểm (-1,43%), xuống 6.262,55 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các cổ phiếu theo chu kỳ lùi bước do những lo ngại về sự sụt giảm kinh tế gây ra bởi đại dịch Covid-19.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, dẫn đầu đà giảm là nhóm cổ phiếu bất động sản và năng lượn, trong khi cổ phiếu liên quan đến tiền kỹ thuật số cũng lao dốc sau khi Bắc Kinh cấm các công ty tài chính và thanh toán tiền điện tử.

Chứng khoán Hồng Kông và Hàn Quốc nghỉ ngày Lễ Phật Đản.

Kết thúc phiên 19/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 362,39 điểm (-1,28%), xuống 28.004,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 18,05 điểm (-0,51%), xuống 3.510,96 điểm.

Giá vàng tiếp tục tăng nhẹ trong phiên đêm qua, đánh dấu chuỗi 5 phiên tăng giá liên tiếp, chốt phiên ở mức cao nhất 4 tháng trong bối cảnh dòng tiền rút khỏi thị trường chứng khoán.

Kết thúc phiên 19/5, giá vàng giao ngày tăng 0,20 USD (+0,01%), lên 1.869,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 13,50 USD (+0,72%), lên 1.881,50 USD/ounce.

Giá dầu phiên hôm thứ Tư lao dốc xuống mức thấp nhất trong ba tuần do lo ngại rằng tình hình các ca nhiễm Covid-19 tăng cao ở châu Á sẽ làm giảm nhu cầu dầu thô, đồng thời lo ngại lạm phát của Mỹ có thể khiến Fed tăng lãi suất trong thời gian tới.

Kết thúc phiên 19/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 2,13 USD (-3,3%), xuống 63,36 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 2,05 USD (-3,0%), xuống 63,66 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 0.0 0.0% 154,884 tỷ
HNX 226.82 0.0 0.0% 1,394 tỷ
UPCOM 88.76 0.1 0.11% 447 tỷ