Dữ liệu kinh tế tích cực giúp giới đầu tư thoát khỏi nỗi ám ảnh lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall phục hồi vào thứ Năm (20/5) sau ba phiên trượt dốc, được thúc đẩy bởi báo cáo thất nghiệp hàng tuần lạc quan nhất kể từ khi suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra bắt đầu.
Dữ liệu kinh tế tích cực giúp giới đầu tư thoát khỏi nỗi ám ảnh lạm phát

Đầu ngày thứ Năm, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo thất nghiệp như thường lệ. Theo đó, số người Mỹ nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp mới đã giảm xuống còn 444.000 người trong tuần kết thúc vào ngày 15/5, giảm 34.000 người so với tuần trước đó và ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp, cho thấy tăng trưởng việc làm trong tháng này, mặc dù các công ty vẫn đang thiếu nhân công.

Dữ liệu kinh tế tích cực đã kéo thị trường chứng khoán khởi sắc sau đợt bán tháo trên diện rộng vào phiên 19/5. Áp lực gần đây đối với chứng khoán được cho là do lo ngại về việc định giá thị trường đang quá cao, lạm phát gia tăng và nỗi lo chính sách tiền tệ nới lỏng sắp bị thắt chắt.

Bên cạnh đó, Bitcoin, đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới, phiên đêm qua tăng vọt lên 42.000 USD, sau khi rớt mạnh xuống gần 30.000 USD vào ngày 19/5. Tuy nhiên, đà tăng bị cản trở sau khi Bộ Tài chính Mỹ cho biết đang thực hiện các bước để giải quyết ổn định các giao dịch và thị trường tiền điện tử, đồng thời cho biết sẽ yêu cầu bất kỳ khoản giao dịch nào trị giá 10.000 USD trở lên phải được báo cáo cho Sở Thuế vụ.

Kết thúc phiên 20/5, chỉ số Dow Jones tăng 188,11 điểm (+0,55%), lên 34.084,15 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 43,44 điểm (+1,06%), lên 4.159,2 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 236,00 điểm (+1,77%), lên 13.535,74 điểm.

Chứng khoán châu Âu phục hồi trông ngày thứ Năm sau một trong những đợt bán tháo tồi tệ nhất trong năm nay nhờ kết quả kinh doanh mạnh mẽ của các doanh nghiệp lớn và các thương vụ M&A giúp thị trường thoát khỏi nỗi ám ảnh lạm phát.

Kết thúc phiên 20/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 59,59 điểm (+1,00%), lên 7.019,79 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 15.370,26 điểm (+1,70%), lên 15.370,26 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 81,03 điểm (+1,29%), lên 6.343,58 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng nhờ nhóm cổ phiếu chip đi lên bù đắp cho sự sụt giảm ở nhóm cổ phiếu chu kỳ.

Chứng khoán Trung Quốc kết thúc trái chiều khi đà tăng của nhóm cổ phiếu các công ty tài chính bù đắp thiệt hại do nhóm cổ phiếu các công ty nguyên vật liệu gây ra, sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ ổn định giá hàng hóa.

Chứng khoán Hồng Kông giảm điểm, do các cổ phiếu nguyên vật liệu suy yếu, cũng do Bắc Kinh cam kết điều chỉnh thị trường hàng hóa.

Chứng khoán Hàn Quốc sụt giảm do ảnh hưởng từ phiên suy yếu đêm qua trên phố Wall, khi Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 4.

Kết thúc phiên 20/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 53,80 điểm (+0,19%), lên 28.098,25 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,02 điểm (-0,11%), xuống 3.506,94 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 143,52 điểm (-0,50%), xuống 28.450,29 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 10,77 điểm (-0,34%), xuống 3.162,28 điểm.

Giá vàng đêm qua tiếp tục tăng trong bối cảnh USD suy yếu, lãi suất trái phiếu Mỹ đi xuống bất chấp động thái bán ra của các quỹ đầu tư. Theo Bloomberg, các quỹ bắt đầu giảm số lượng vàng nắm giữ sau 8 phiên liên tiếp mua vào. Cụ thể, trong phiên giao dịch kéo dài từ đêm 19 đến rạng sáng 20/5, một số quỹ đầu tư đã bán tổng cộng gần 4 tấn vàng.

Kết thúc phiên 20/5, giá vàng giao ngày tăng 7,30 USD (+0,39%), lên 1.876,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 0,40 USD (+0,02%), lên 1.881,90 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục lao dốc mạnh trong phiên ngày thứ Năm, đánh dấu phiên thứ ba giảm giá sau khi các nhà ngoại giao tiết lộ những tiến bộ xung quanh cuộc đàm phát về thỏa thuận dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, vốn có thể thúc đẩy nguồn cung dầu thô.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm 20/5 rằng, các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ, vận tải biển, hóa dầu, bảo hiểm và ngân hàng trung ương đã được xử lý trong các cuộc đàm phán.

Ngoài ra, lo ngại về triển vọng nhu cầu ở châu Á do dịch bệnh cũng kéo giá dầu đi xuống. Theo Reuters, gần 2/3 số người được kiểm tra ở Ấn Độ cho thấy có phơi nhiễm với Covid-19.

Kết thúc phiên 20/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 1,31 USD (-2,1%), xuống 62,05 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 1,55 USD (-2,3%), xuống 65,11 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục