“Biết người biết ta…”
Các nước trên thế giới đều coi trọng việc phát triển ngành du lịch. Nếu như nông nghiệp thường chỉ làm được ở nông thôn; công nghiệp, công nghệ thường tập trung ở thành thị, nơi có nhiều lao động có trình độ, tay nghề cao, có hạ tầng phát triển; dịch vụ tài chính, ngân hàng thường tập trung ở các đô thị lớn thì du lịch có thể phát triển ở mọi nơi, mọi lúc.
Du lịch có thể vươn tới sa mạc Sahara, rừng nhiệt đới Amazon, hay các khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã ở châu Phi..., hay nơi đáy biển (để khám phá rặng san hô), hay tới những vùng đất băng giá nhất là Nam cực và Bắc cực. Du lịch phủ khắp địa cầu. Có lẽ chẳng bao lâu nữa sẽ có những tour du lịch tham quan mặt trăng và các vì sao.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính lan tỏa đến nhiều ngành kinh tế khác, giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tại chỗ. Du lịch điều tiết dòng tiền từ nơi giàu đến nơi nghèo, tạo ra nhiều việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Du lịch còn là kênh quảng bá hình ảnh đất nước đi năm châu, bốn biển; kết nối thế giới với nhau, để con người gần nhau, hiểu nhau hơn, hợp tác cùng thắng. Du lịch khai thác được mọi lợi thế của con người, thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, ẩm thực - những thứ nước nào cũng có với những nét độc đáo riêng.
Xét về tổng thể, nước nào cũng có những điều kiện cơ bản để phát triển du lịch. Mỗi quốc gia đều có lịch sử đáng tự hào với người dân nước đó. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia có lịch sử rất dài; châu Âu có nền văn minh La Mã cổ đại; Trung Đông có Đế quốc Ba Tư; Nam Mỹ với Đế quốc Maya; Ai Cập cổ đại bắt đầu từ năm 3150 trước Công nguyên; Nam Phi được xem là cái nôi của nhân loại với phát hiện khảo cổ học về hộp sọ cậu bé Taung (Taung C, chủng Australopithecus 2,3 triệu năm tuổi)…
Về điều kiện tự nhiên, mỗi quốc gia lại có vẻ đẹp riêng. Việt Nam có các bãi biển có thể tắm được đẹp hàng đầu thế giới, nhưng rất nhiều nước cũng có biển đẹp vào nhóm hàng đầu. Biển của Maldives như thiên đường; biển Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines cũng rất tuyệt. Biển Caribe, biển Địa Trung Hải… cũng không kém.
Mỹ và Canada chia sẻ thác Niagara. Zimbawe và Zambia có chung thác Victoria trên sông Zambezi. Madagascar nổi tiếng với những cây bao báp hàng nghìn năm tuổi. Iceland lại có nhiều núi lửa, nước phun, sông băng. Nauy, Thụy Điển, Phần Lan, Nga, Canada có cực quang kỳ diệu. Nepal và Tây Tạng có đỉnh Everest cao nhất thế giới.
5 nước Nga, Iran, Turmekistan, Kazakhstan và Azerbaijan cùng chung hồ Caspi lớn nhất thế giới. Peru, Brasil và Colombia có sông Amazon dài nhất trên địa cầu. Mauritius có đất 27 màu vô cùng độc đáo nhờ hoạt động của núi lửa trên 100.000 năm trước…
Xét về văn hóa, thế giới có trên 200 nước và vùng lãnh thổ nhưng có đến 2.000 dân tộc. Từng ấy dân tộc và từng ấy ngôn ngữ, văn hóa, ẩm thực khác nhau, với nhiều văn hóa độc đáo. Tính đến tháng 7, 2021, thế giới có 1.153 di sản tại 167 quốc gia.
Trung bình mỗi nước có khoảng 8 di sản, trong đó Việt Nam có 8; Indonesia có 9; Ý đứng đầu với 58; Trung Quốc có 56; Đức có 51; Tây Ban Nha có 49; Pháp có 48; Ấn Độ có 40; Mexico có 35. Vương Quốc Anh có 34. Nga có 29. Iran có 26.
Nhiều nơi cũng xây dựng những công trình tạo điểm đến cho du lịch. Chẳng hạn, Singapore có tổ hợp khách sạn, mua sắm, casino Marina Bay Sands; Malaysia có Genting; Mỹ, Singapore, Nhật Bản có công viên giải trí Universal; Hongkong, Thượng Hải, Tokyo có Disneyland; Hàn Quốc có Everland; Iceland có tắm khoáng nóng Blue Lagoon; Nauy có công viên tượng khỏa thân Vigeland. Nhiều nước, trong đó có Việt Nam, có trường đua xe công thức 1 (F1)…
Khi sân chơi có nhiều người chơi, cạnh tranh luôn diễn ra khốc liệt. Trong khi đó, xét về độ hấp dẫn, du lịch Việt Nam cũng chỉ ở mức bình thường. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 52 trên tổng số 117 quốc gia được xếp hạng về chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu (tính đến năm 2021). Hiểu rõ được thứ hạng này để biết ta đang ở đâu và cần nỗ lực những gì để thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam nhiều hơn nữa.
Chính sách visa, “chìa khóa” mở cửa ngành du lịch
Nhiều năm nay, chúng ta nỗ lực để cải thiện các chỉ số cạnh tranh du lịch thông qua việc tạo ra môi trường kinh doanh, an toàn và an ninh, y tế và vệ sinh, nguồn nhân lực và thị trường lao động, sự sẵn sàng ICT; có chính sách ưu tiên cho du lịch, độ mở quốc tế, giá cả cạnh tranh; đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật như sân bay, bến cảng, đường cao tốc, hạ tầng mặt đất tại cảng, hạ tầng dịch vụ du lịch; giữ gìn và phát triển các nhân tố tạo cầu du lịch từ nguồn lực tự nhiên, văn hóa; tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới… Tuy vậy, chính sách visa của chúng ta được xem là thiếu cạnh tranh so với các nước.
Đến nay, Việt Nam mới miễn visa cho công dân của 25 nước. Trong danh sách 25 nước được miễn visa vào Việt Nam thì chỉ Panama và Chile có số ngày lưu trú lên tới 90; các nước Thái Lan, Singapore, Lào, Malaysia, Indonesia, Kyrgyzstan được 30 ngày. Riêng các quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Thụy Điển… chỉ được 15 ngày.
Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia có chính sách visa rất thông thoáng để thu hút khách du lịch. Chẳng hạn, châu Âu với thị thực Schengen, gồm 26 nước. Du khách có thị thực này được đi lại xuyên biên giới ở hầu hết các nước châu Âu như đi trong nội địa.
Hay Canada cấp visa lên đến 10 năm, Mỹ cấp visa 1 năm và có thể làm thủ tục gia hạn hàng năm, Peru cấp visa 1 năm; Argentina, Brasil cấp visa 90 ngày. Trừ Cuba, hầu hết các nước Nam Mỹ và Cabibe cho phép du khách vào nước họ nếu có visa vào Mỹ…
Tại châu Phi, ngoại trừ Nam Phi phải xin visa qua sứ quán, các nước còn lại đều cấp visa online, hay cấp visa tại cửa khẩu (VOA) với chi phí từ 10-50 USD. Đặc biệt, Mauritius cấp visa tại cửa khẩu không thu phí.
Đây là một phần lý do quan trọng để đảo quốc nằm ở Đông Phi có dân số 1,3 triệu người hàng năm đón được lượng khách quốc tế tương đương. Du lịch đã mang lại cho đảo quốc này nguồn ngoại tệ chính.
Không xa Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc) cho phép du khách đến đây nếu visa còn hiệu lực của Mỹ, Canada, Nhật Bản, Anh, Schengen, châu Âu, Úc và New Zealand.
Mới đây, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội chính sách thị thực cởi mở hơn theo hướng cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ; nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày… Đây là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch.
Tuy vậy, ngoài việc mở rộng diện cấp visa online cho tất cả các nước, cần quy định thủ tục ngắn gọn, minh bạch, không phiền hà, không sách nhiễu; tránh tình trạng xin visa online nhưng phức tạp, mất thời gian, tốn kém hơn xin visa ở cơ quan ngoại giao.
Cần tăng cường cấp thị thực tại cửa khẩu (VOA) để thu hút thêm du khách quốc tế vì sự thuận tiện của loại visa này. VOA cần cho phép đơn giản như các nước, xét duyệt nhân sự ngay tại cửa khẩu, khách du lịch đến cửa khẩu và khai form, nộp phí thị thực theo quy định là được cấp visa, trừ các trường hợp đặc biệt ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu mức phí cấp visa hợp lý. Với một số nước có du khách quốc tế chi tiêu bình quân trên 1.000 USD/lượt khách thì có thể cho phép miễn phí thị thực để khuyến khích họ quay lại.
Khi đến Mauritius, chúng tôi được hướng dẫn khai tờ khai nhập cảnh VOA và tờ khai y tế. Chỉ mất vài phút là xong. Đến quầy làm thủ tục nhập cảnh, nhân viên nhập cảnh thao tác rất nhanh và đóng dấu entry visa vào hộ chiếu. Chúng tôi chuẩn bị tiền nộp phí visa như các nước khác nhưng nhân viên nhập cảnh nói “No fee” (Miễn phí) và ngay sau đó anh nói: Welcome! (Chào mừng bạn!).
Thật là cách thu hút du khách thông minh, thả con săn sắt, bắt con cá sộp. Tại sao phải thu vài chục USD, trong khi mỗi du khách đến thường chi cả nghìn USD.