Du lịch golf: Con gà đẻ trứng vàng của nhiều nước châu Á

(ĐTCK) Châu Á đang trở thành điểm đến du lịch gôn mới của thế giới và lợi ích to lớn mà gôn đem lại đã “châm ngòi” cho những cuộc đua kỳ thú nhằm khai thác tốt lợi thế của ngành kinh doanh du lịch.

 

Ông Mike Sebastian - Giám đốc điều hành Tập đoàn Golf châu Á Thái Bình Dương công bố Việt Nam trở thành điểm đến golf tốt nhất châu Á Thái Bình Dương (Best golf Destination in Asia Pacific) tại Hội nghị golf châu Á Thái Bình Dương 2017 Ông Mike Sebastian - Giám đốc điều hành Tập đoàn Golf châu Á Thái Bình Dương công bố Việt Nam trở thành điểm đến golf tốt nhất châu Á Thái Bình Dương (Best golf Destination in Asia Pacific) tại Hội nghị golf châu Á Thái Bình Dương 2017

Việc Việt Nam trong năm 2017, lần đầu tiên được tôn vinh là điểm đến du lịch golf hấp dẫn nhất khu vực châu Á -Thái Bình Dương, là một nguồn khích lệ to lớn cho lĩnh vực giàu tiềm năng này, song cũng đặt ra những thách thức, đòi hỏi cần phải có chiến lược phát triển đúng đắn để có thể khai thác tối đa những lợi thế mà chúng ta đang có.

Điểm sáng Thái Lan

Từ lâu, Thái Lan luôn dẫn đầu về du lịch gofl tại châu Á. Năm 2012, Thái Lan đã xếp thứ ba thế giới, chỉ sau Tây Ban Nha và Mỹ, thu hút khoảng 600.000 du khách và thu về 2 tỷ USD.

Giới chuyên môn nhận định, với nhiều hoạt động đầu tư cho ngành golf, du lịch golf của Thái Lan sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai. Đây là một trong những ví dụ khích lệ các quốc gia Đông Nam Á khác, trong đó có Việt Nam và những thị trường ngoài khu vực cũng muốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo công bố từ Asian Travel Media, từ năm 2012, du khách đến từ châu Âu chiếm phần lớn trong lượng khách tới chơi golf tại Thái Lan. Trong đó, 2/3 tổng số hành khách đến từ khu vực Bắc Âu, Tây Âu và Vương quốc Anh. Úc và khu vực châu Á chiếm đa số phần còn lại. Chỉ một số nhỏ du khách đến từ Bắc Mỹ.

Tin tưởng vào một tương lai đầy hứa hẹn của du lịch gofl đã đem đến nhiều thay đổi, đặc biệt là việc mở rộng cơ sở vật chất của hàng loạt các câu lạc bộ gofl cao cấp tại Thái Lan, đưa đất nước này trở thành một trong những địa điểm chơi golf “bận rộn” nhất của châu Á.

Chẳng hạn, bên cạnh việc mở rộng sân golf, Câu lạc bộ golf Black Mountain Golf Club gần Hua Hin còn đưa vào khai thác công viên nước trị giá hàng tỷ USD cùng khu công viên phức hợp trượt ván, tạo nên một địa điểm du lịch mang tính hiện tượng, được quảng bá “truyền miệng” rộng rãi trong cộng đồng khu vực khách Bắc Âu.

Cuộc đua kỳ thú

Mặc dù Thái Lan đang là quốc gia đi đầu trong ngành du lịch golf tại châu Á, Trung Quốc cũng là một ứng cử viên sáng giá cho vị trí quan trọng này.

Các khu phức hợp như Mission Hills với rất nhiều thiết kế sân đặc trưng tại Thẩm Quyến và 10 sân tại Hải Khẩu trên đảo Hải Nam đang thu hút sự chú ý với một lượng lớn khách du lịch quốc tế, đặc biệt tại Thẩm Quyến là nơi tập trung rất nhiều người chơi đến từ Hồng Kông.

Những sân đôi của Spring City gần Côn Minh ở phía Tây Nam Trung Quốc cũng như nhiều sân tại Quảng Đông có thể chơi quanh năm cũng đang thu hút sự quan tâm của các golf thủ.

Việt Nam cũng nhập cuộc khá nhanh chóng với du lịch golf, đặc biệt là các điểm đến nổi tiếng trên cả nước. Nổi bật nhất là Đà Nẵng, thành phố đã đạt được những thành tựu lớn về tăng trưởng nhờ du lịch.

Đà Nẵng có các sân đạt tiêu chuẩn quốc tế để thu hút du khách golf. Đến đây không chỉ chơi golf, du khách rất thích thú thăm những địa danh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới bao gồm Huế, Hội An và khu thánh địa Mỹ Sơn.

Tương tự Thái Lan, nơi đã chứng kiến sự bùng nổ của du lịch golf tại các khu vực bên ngoài Bangkok, các thành phố khác của Việt Nam như Đà Lạt, Phan Thiết, Quy Nhơn… cũng được nhiều nhà đầu tư tập trung nguồn lực phát triển để trở thành các địa điểm du lịch golf.

Với nhiều nỗ lực, năm 2017, Việt Nam đã vinh dự được công nhận là điểm đến golf hấp dẫn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Có được khởi đầu thuận lợi như vậy, giới chuyên môn cho rằng, Việt Nam cần có những bước đi chiến lược tiếp theo để tận dụng được cơ hội này trong bối cảnh các quốc gia khác tại châu Á cũng đưa du lịch golf trở thành một trọng tâm trong chính sách phát triển của mình.

Ấn Độ tham gia cuộc đua với động thái từ Bộ Du lịch Ấn Độ nhằm biến đất nước này trở thành một địa điểm du lịch golf.

Theo Bộ Du lịch Ấn Độ, phát triển golf theo hướng sản phẩm du lịch cho thị trường ngách có thể giúp quốc gia này giới thiệu các địa danh và thu hút nhiều khách du lịch tới Ấn Độ.

Tại Malaysia, Hiệp hội Du lịch golf Malaysia đã đi vào hoạt động nhằm giúp ngành du lịch golf hoạt động chuyên nghiệp, bài bản và năng động.

Nhật Bản cũng đang đẩy mạnh các hoạt động về du lịch golf. Đại diện ngành du lịch Nhật Bản đã chia sẻ kế hoạch của quốc gia này với những chương trình ưu đãi mới dành cho du lịch golf ngắn ngày tại đảo Hokkaido với sự tham gia của 7 sân golf với tên gọi Yotei Golf.

Với 2.500 sân golf, chỉ đứng thứ hai thế giới so với Hoa Kỳ, Nhật Bản đang chiếm ưu thế lớn trong việc thúc đẩy ngành du lịch golf phát triển. 

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục