Sẽ quản lý sân golf bằng điều kiện kinh doanh

(ĐTCK) Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đang khẩn trương triển khai xây dựng Dự thảo Nghị định về điều kiện đầu tư, kinh doanh sân golf với định hướng đưa quản lý kinh doanh sân golf vào danh mục quản lý theo điều kiện kinh doanh, thay cho hình thức quy hoạch hiện nay. Dự thảo nghị định này dự kiến sẽ được trình Chính phủ xem xét quyết định khi Luật Quy hoạch chính thức có hiệu lực.
Sẽ quản lý sân golf bằng điều kiện kinh doanh

Chia sẻ thông tin cụ thể, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, Bộ đã trình và được Chính phủ chấp thuận đề xuất xây dựng một nghị định về điều kiện đầu tư, kinh doanh sân golf, theo đó sẽ đưa ra một loạt các tiêu chí và điều kiện cụ thể để các địa phương và nhà đầu tư có cơ sở tiến hành đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf.

Với định hướng này, hoạt động kinh doanh sân golf sẽ không theo hình thức quy hoạch mà được quản lý theo điều kiện kinh doanh nhằm đạt được mục tiêu vừa theo đúng các nguyên tắc của cơ chế thị trường, vừa đảm bảo có đầy đủ các công cụ quản lý Nhà nước, qua đó có thể phát huy tối đa hiệu quả tiềm năng của lĩnh vực kinh doanh này, đồng thời tránh được việc lạm dụng, sử dụng không hiệu quả quỹ đất gây ra các hệ lụy và tác động tiêu cực tới môi trường, kinh tế xã hội.

Theo Thứ trưởng Mạnh, kết quả kiểm tra thực hiện quy hoạch sân golf gần đây cho thấy, hiện nay, theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có tới 89 sân golf nhưng chưa đến một nửa được triển khai và đi vào hoạt động. Có rất nhiều sân golf thực chất là trong quy hoạch nhưng không đủ điều kiện kinh doanh, không đủ điều kiện để phát huy lợi nhuận đầu tư, do vậy cũng không được nhà đầu tư quan tâm thực hiện.

Thậm chí, nhiều sân golf đã bị chủ đầu tư sử dụng đất quy hoạch sai mục đích, chuyển 50% diện tích để xây khu du lịch sinh thái, trung tâm thương mại. Những dự án này phải đưa ra ngoài quy hoạch vì chậm tiến độ, nằm ngoài danh mục và không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định về dài hạn, sân golf là lĩnh vực quản lý theo quy định của Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, do đó sẽ quản lý bằng điều kiện kinh doanh thay cho quy hoạch như hiện nay.

“Bắt đầu từ năm 2019, chúng ta sẽ quản lý theo hình thức điều kiện kinh doanh, không phải theo hình thức quy hoạch. Tức là Nhà nước sẽ ban hành một loạt điều kiện, tiêu chí cụ thể để các địa phương, các nhà đầu tư có thể xem xét, tiến hành đầu tư sân golf. Chính phủ cũng đã chấp thuận đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2019 sẽ xây dựng  một nghị định đưa ra các tiêu chí, điều kiện cụ thể cho lĩnh vực sân golf”, ông Mạnh nhấn mạnh.

Liên quan đến việc mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phê chuẩn, bổ sung một loạt sân golf vào Quy hoạch sân golf của Việt Nam đến năm 2020, đồng thời gửi văn bản lấy ý kiến về đề xuất bổ sung loạt dự án sân golf của các địa phương vào Quy hoạch đang thu hút sự quan tâm của dư luận và giới đầu tư, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Bộ đã xem xét kỹ lưỡng và cẩn trọng để đảm bảo việc bổ sung quy hoạch không làm tái diễn sự bùng nổ sân golf tại các địa phương như nhiều ý kiến lo ngại.

Cụ thể, theo ông Mạnh, thời gian vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được đề xuất của nhiều địa phương có nhu cầu phát triển các sân golf để phục vụ cho mục tiêu phát triển du lịch, dịch vụ của địa phương.

“Việc này Chính phủ cũng đã có các quyết định về quy hoạch sân golf theo Quyết định 1946 hay Chỉ thị 11/2012. Để xem xét, phê chuẩn quy hoạch của sân golf phải bảo đảm rất nhiều điều kiện, các tiêu chuẩn, tiêu chí khác nhau. Trong đó, chắc chắn 2 nội dung liên quan đến việc sử dụng đất lúa, đặc biệt là đất lúa 2 vụ cũng như đất rừng, được xem xét hết sức chặt chẽ. Chính vì vậy, xin bảo đảm rằng, quá trình xem xét được Bộ thực hiện trong thời gian dài, kỹ lưỡng để bảo đảm các thủ tục hợp pháp và không ảnh hưởng đến việc sử dụng 2 loại đất này. Phê chuẩn quy hoạch các sân golf thực chất cũng là tạo điều kiện để các địa phương có các điều kiện pháp lý thực hiện các thủ tục đầu tư tiếp theo”, ông Mạnh cho biết. 

Một số sân golf được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký văn bản bổ sung vào Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 mới đây bao gồm sân golf Kênh Gà - Vân Trình tỉnh Ninh Bình, sân golf FLC Quảng Bình Golf Links; sân golf Bến En tại huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa; sân golf quốc tế, khu dịch vụ hỗ trợ, khu biệt thự nghỉ dưỡng (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế); sân golf Việt Yên tại xã Hương Mai và xã Trung Sơn, Việt Yên, Bắc Giang; Tuyên Quang. Bên cạnh đó, sân golf Bà Nà, Đà Nẵng cũng được điều chỉnh mở rộng từ 36 lỗ lên 108 lỗ.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục