Sáng 18/4, kỳ họp thứ 22 HĐND TP.HCM đã thống nhất việc triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM.
Theo tờ trình, Tuyến đường dài khoảng 159,31 km, đi qua địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (18,23 km); Đồng Nai (46,08 km); Bình Dương (47,95 km); TP.HCM (16,7 km); Long An (78,3 km). Riêng đoạn đi qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 47,95 km triển khai đầu tư độc lập theo chủ trương đầu tư dự án đã được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua.
Vành đai 4 TP.HCM có mặt cắt ngang rộng 74,5m; 8 làn cao tốc và hệ thống đường song hành 2 bên tuyến. Các địa phương TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn.
Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) của Dự án khoảng 120.412,55 tỷ đồng (không bao gồm đoạn đi qua địa phận tỉnh Bình Dương).
Trong đó, nguồn vốn Trung ương hơn 29.576 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương hơn 40.000 tỷ đồng và nguồn vốn kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT) 50.632 tỷ đồng.
UBND Thành phố cho biết trường hợp triển khai theo hình thức đầu tư công, chỉ tính riêng dự án đường Vành đai 4 TP.HCM với quy mô phân kỳ cần bố trí khoảng 114.298,81 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước.
Trong khi ngân sách Trung ương chưa thể cân đối đủ nguồn lực để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia có nhu cầu bách khác đang được đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, và các dự án đường bộ cao tốc nhóm A dự kiến triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030 và các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khác của ngành giao thông vận tải.
Bên cạnh lợi thế về huy động được nguồn vốn xã hội tham gia giai đoạn đầu tư xây dựng, đầu tư theo phương thức PPP sẽ giảm đáng kể nguồn ngân sách nhà nước cần bố trí để phục vụ quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình.
Chính vì vậy, việc triển khai đầu tư dự án trong bối cảnh hiện nay, cần huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư theo phương thức đầu tư PPP (thu hút được 50.632,22 tỷ đồng từ nguồn vốn của nhà đầu tư, giảm kinh phí bảo trì, vận hành, khai thác) là cần thiết để giảm áp lực cho nguồn vốn đầu tư công đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Việc triển khai dự án theo phương thức PPP sẽ có cơ hội để lựa chọn các nhà đầu tư tiềm năng, có năng lực tài chính, kinh nghiệm về quản trị, quản lý đầu tư, kinh nghiệm tổ chức triển khai các dự án lớn đặc biệt là các dự án giao thông.
Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng phát huy tinh thần tự lực, tự cường, năng động, đổi mới sáng tạo, đi lên từ sức mạnh nội sinh, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, để vươn mình, cống hiến xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Dự án sẽ do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư, các địa phương được giao thực hiện Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất.
Trong đó, tập trung ưu tiên giải phóng mặt bằng trước một số hạng mục khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án (các khu vực phải xử lý nền đất yếu, khu vực đông dân cư, xây dựng khu tái định cư, khu vực đổ vật liệu thừa, mỏ vật liệu...).
TP.HCM dự kiến sau khi dự án được thông qua, các địa phương sẽ lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2026 và triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư từ 2025 và hoàn thành vào năm 2027. Các dự án thành phần qua các địa phương sẽ khởi công từ năm 2026 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2029.