Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến hết ngày 10/6/2019, số lượng các doanh nghiệp trên cả nước đã hoàn thành thoái vốn của kế hoạch năm 2017 - 2018 theo quy định tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg là 82, tăng 9 đơn vị so với thời điểm tháng 3/2019.
Như vậy, số doanh nghiệp thuộc kế hoạch năm 2017 - 2018 đến nay chưa hoàn thành thoái vốn vẫn còn 151, trong đó có 5 đơn vị đã được các bộ, địa phương báo cáo đề xuất chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến phương án điều chỉnh danh mục thoái vốn giai đoạn 2019 - 2020, các bộ và địa phương đưa ra các đề xuất khác nhau. Chẳng hạn, Bộ Xây dựng, UBND TP. Hà Nội và Hải phòng đề nghị tiếp tục thoái vốn và hoàn thành trong năm 2019 đối với các doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch của năm 2017 - 2018, trong khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị chuyển số này về SCIC để thực hiện.
Cân nhắc ảnh hưởng đến việc đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc chuyển giao số doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch thoái vốn bao gồm 70 doanh nghiệp theo phương án phân loại đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tháng 3/2019, đồng thời nghiên cứu, sửa đổi Quyết định 1232 theo hướng thực hiện mục tiêu đảm bảo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.
Lưu ý về tính hiệu quả của các phương án, Bộ Tư pháp cho rằng, trường hợp các bộ, địa phương đã triển khai xây dựng kế hoạch và phương án thoái vốn thì cần báo cáo cụ thể về tiến độ và khả năng hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định cho phép các bộ, địa phương tiếp tục thực hiện phương án thoái vốn trong giai đoạn 2019 - 2020, hoặc chuyển giao sang SCIC để thực hiện thoái vốn trên cơ sở đánh giá rõ về hiệu quả lợi ích của từng phương án.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quá trình cho ý kiến về phương án điều chỉnh danh mục thoái vốn giai đoạn 2019 - 2020 trong trường hợp thực hiện triệt để quy định tại Chỉ thị 01 của Thủ tướng, Bộ đang cân nhắc đề xuất phương án dựa trên yêu cầu điều chỉnh và rà soát lại số lượng doanh nghiệp và tỷ lệ thoái vốn từ Chính phủ cũng như đề xuất của các địa phương, nhằm đáp ứng các mục tiêu của Chính phủ đặt ra.
Một trong các phương án mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét đề xuất là số lượng doanh nghiệp thuộc đối tượng các bộ, địa phương tiếp tục thực hiện thoái vốn hoặc giữ lại thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước là 72. Các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cấp, thoát nước, môi trường đô thị, công viên cây xanh, chiếu sáng đô thị, phòng chống dịch bệnh, phân phối thuốc và những đơn vị có vai trò quan trọng trong phát triển ngành kinh tế địa phương, an sinh xã hội…
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp này cũng được cân nhắc là tuy chưa hoàn thành thoái một phần vốn của kế hoạch năm 2017 - 2018, nhưng các bộ, địa phương vẫn phải tiếp tục thực hiện thoái vốn theo tỷ lệ cố định vào năm 2019 và năm 2020 theo Quyết định 1232.
Như vậy, theo phương án trên, tổng hợp danh sách 72 doanh nghiệp đề xuất cùng với số còn lại phải thoái vốn năm 2019 - 2020 tại Quyết định 1232 thì cả nước sẽ có 134 doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành và địa phương phải thực hiện trong giai đoạn này.
Số lượng thuộc đối tượng chuyển giao về SCIC là 94 doanh nghiệp, gồm 70 doanh nghiệp thuộc các địa phương chưa hoàn thành thoái vốn giai đoạn 2017 - 2018 và 24 doanh nghiệp thuộc danh mục chuyển giao về SCIC theo Quyết định 1232 nhưng đến nay chưa hoàn thành việc chuyển giao.
Số lượng doanh nghiệp đề xuất thực hiện theo Quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ là 17, bao gồm các trường hợp thuộc diện chuyển giao về SCIC theo Quyết định 1232 nhưng các bộ, địa phương đề xuất không chuyển giao do không đủ điều kiện, hoặc thay đổi phương án sắp xếp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thay đổi phương án không thực hiện thoái vốn mà giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước thông qua tăng vốn điều lệ tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý, nếu thực hiện phương án trên thì việc đảm bảo đủ nguồn thu cho ngân sách nhà nước sẽ bị ảnh hưởng và có thể gặp một số vấn đề khó khăn làm chậm tiến độ hoàn thành thoái vốn của các doanh nghiệp giai đoạn 2019 - 2020.