Chốt phương án chọn - bỏ
Cuối cùng, Danh mục Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài đã xuất hiện trong Dự thảo mới nhất của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư. Dự thảo này đã được Bộ Tư pháp thẩm định vào tuần trước, đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện để trình Chính phủ. Trong dự thảo được đưa ra lấy ý kiến vào tháng 4/2019, danh mục này chưa có.
Danh mục gồm 2 nhóm: nhóm ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường và nhóm các ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện. Điểm đáng nói, cách tiếp cận của đề xuất chính sách này là nguyên tắc chọn - bỏ. Trong tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải thích, với cách tiếp cận này, ngoài các lĩnh vực, ngành nghề có tên trong danh mục trên, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.
Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 11 – năm 2019:
Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 11 – năm 2019 do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba, ngày 6/8/2019.
Với chủ đề “Thay đổi để bứt phá/Going for breakthrough”, Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 sẽ bàn thảo các cơ hội M&A trong kỷ nguyên mới, những thay đổi cần có để thị trường M&A Việt Nam thực sự bứt phá, đem lại lợi ích cho các thành viên tham gia.
Diễn đàn có các hoạt động chính: hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế; vinh danh thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2018 – 2019; tiệc tối kết nối đầu tư; phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A 2019 (tiếng Việt - Anh); Khoá đào tạo quốc tế Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một số chuyên gia về đầu tư cho biết, đây là lần đầu tiên, việc công bố danh mục này được đề cập.
Hiện tại, để tìm kiếm các thông tin này, ngoài việc tiếp cận các nội dung văn bản, pháp luật của Việt Nam liên quan đến đầu tư - kinh doanh, các nhà đầu tư phải nắm rõ các cam kết song phương, đa phương của Việt Nam để xác định được cơ hội tiếp cận thị trường. Đặc biệt, các nhà đầu tư sẽ biết được quy trình, thủ tục mà họ sẽ phải tuân thủ thì tham gia ngành nghề, lĩnh vực đó.
Hiện tại, nhiều khi nhà đầu tư không rõ trường hợp nào phải thực hiện thủ tục đăng ký khi góp vốn, mua cổ phần, trường hợp nào không, nhất là với các lĩnh vực, ngành nghề đầu tư có điều kiện. Để đảm bảo chắc chắn, nhiều nhà đầu tư quyết định thực hiện các thủ tục đăng ký.
Luật sư Trần Anh Đức, Công ty TNHH Allen & Over lý giải, họ cần có cơ quan nhà nước xác nhận để cảm thấy an tâm khi các quy định không rõ ràng.
Song, vấn đề lại phát sinh là cứ ngành nghề, lĩnh vực đầu tư nào có điều kiện, thì các cơ quan tiếp nhận hồ sơ lại phải gửi công văn đi hỏi ý kiến các bộ, ngành có liên quan. Nhưng thường thì các nhà đầu tư rất khó biết được quy trình hỏi và trả lời giữa các cơ quan nhà nước là bao lâu, nên hầu như không nắm được quy trình thủ tục mà họ cần phải tuân thủ kéo dài thế nào.
Trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019 mới đây, các thành viên liên kết của VBF tiếp tục nhắc đến rào cản từ các quy định chưa rõ ràng liên quan đến tiếp cận thị trường, ảnh hưởng đến những chậm trễ trong cấp phép. Các thành viên liên kết này gồm các hiệp hội doanh nghiệp Singapore, Australia, Thụy Sỹ, Thái Lan, Ấn Độ...
“Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cần quy định rõ các điều kiện mà các nhà đầu tư nước ngoài cần có và bảo đảm sẽ không tạo ra bất kỳ gánh nặng hành chính quá mức nào cho các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Seck Yee Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore đã thay mặt các thành viên chuyển tải mong muốn.
Không để trễ tiến độ cổ phần hóa
Ngay trong tháng 7 này, Danh mục các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa và danh mục doanh nghiệp thực hiện thoái vốn đến năm 2020 sẽ được chính thức công bố, làm cơ sở cho các kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn từ nay đến năm 2020. Trong số này, những doanh nghiệp lớn, chậm trễ của những năm trước đều có mặt. Có thể nhắc tới Vinafood1, VNPT, Agribank hay 13 doanh nghiệp của Hà Nội, 36 doanh nghiệp của TP.HCM… Đây đều là những doanh nghiệp được thị trường quan tâm.
Thông điệp được gửi đi rất rõ, đó là sẽ không thể chậm trễ hơn nữa trong hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn. “Chính phủ và Thủ tướng muốn đúng, nhưng phải nhanh, đúng mà để chậm, không dám làm, ách tắc, trì trệ là không được, sai lại càng không được. Thủ tướng rất sốt ruột, yêu cầu này khó, nhưng phải làm, không cách nào khác, đẩy vòng quanh là không được”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong cuộc làm việc của Ban Chỉ đạo về Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đánh giá nhiệm vụ 6 tháng đầu năm vào đầu tháng 7/2019.
Không chỉ như vậy. Ngay trong tháng 7 này, Đề án Cơ cấu lại toàn diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Chính phủ. Ủy ban cũng được giao nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp quy mô lớn trực thuộc theo quy định và tiến độ triển khai Đề án Cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo, hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị; rà soát, chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) các doanh nghiệp chưa hoàn thành thoái vốn theo đúng quy định…
Cũng trong tháng 7/2019, Bộ Tài chính cũng phải đôn đốc các doanh nghiệp đã IPO đủ điều kiện thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán phải thực hiện có kết quả, đi kèm với việc công bố công khai, xử lý trách nhiệm đối với việc chậm, không niêm yết, đăng ký giao dịch đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện… Mọi việc, kể cả đề xuất xử lý trách nhiệm đối với các lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện các yêu cầu trên sẽ phải được báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2019…
Các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời, nghiêm túc rà soát, cho ý kiến, phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định đối với các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, các doanh nghiệp cổ phần hóa có đất đai trên địa bàn; chủ động tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn.
Đây là các yêu cầu mà Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã trực tiếp chỉ đạo, để thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa 6 tháng cuối năm 2019 sau những chậm trễ trong hoạt động này 6 tháng đầu năm 2019.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo về Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, trong số 127 doanh nghiệp phải hoàn tất cổ phần hóa trong giai đoạn 2017 - 2020, mới có 35 doanh nghiệp thực hiện. Việc thoái vốn cũng chậm, chỉ mới hoàn thành thoái vốn tại 88 trong số 405 doanh nghiệp trong thời gian 2016 - 2020.
Với những áp lực về sửa đổi cơ chế, chính sách và cả thời gian, thì số doanh nghiệp còn lại trong các danh sách này chắc chắn sẽ tạo nên sự sôi động mới của thị trường M&A Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2020.
Một số doanh nghiệp nhà nước sẽ cổ phần hóa từ nay đến năm 2020:
Công ty TNHH một thành viên Thủy sản Hạ Long
Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM)
Tổng công ty Cà phê Việt Nam
Tổng công ty Viễn thông MobiFone
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - Công ty mẹ
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Công ty mẹ
Tổng công ty Vận tải Hà Nội
Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội
Tổng công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC)
Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn
Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn
Tổng công ty Bến Thành
Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn
Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn
Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn