Dư địa và tiềm năng thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam là rất lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ghi nhận từ hệ thống của Napas, trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 94% về số lượng và 114,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Dư địa và tiềm năng thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam là rất lớn

Trong đó, các hình thức thanh toán qua hệ thống điện tử liên ngân hàng, thanh toán thẻ chip, thanh toán trên internet; thanh toán qua di động, thanh toán qua mã QR và số lượng ví điện tử được kích hoạt... đều có sự tăng trưởng đáng kể.

Cụ thể, thông tin được chia sẻ tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước giữa tháng 7 cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt trên 77,75 triệu giao dịch, với giá trị đạt trên 91,65 triệu tỷ đồng (tăng 4,23% về số lượng và 32,35% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2021).

Tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch tài chính đạt hơn 2.013 triệu giao dịch, với giá trị gần 22,22 triệu tỷ đồng (tăng 94% về số lượng và 114,46% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, riêng tháng 6/2022 hệ thống xử lý hơn 12,6 triệu giao dịch/ngày với giá trị trung bình gần 130 nghìn tỷ đồng/ngày).

Đến thời điểm hiện tại, 66% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng,

Đến thời điểm hiện tại, 66% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng,

Đối với mạng lưới ATM, POS được phủ sóng đến tất cả tỉnh, thành trên cả nước. Tính đến hết tháng 5/2022, toàn thị trường hiện có hơn 20.000 ATM, trên 350.000 POS (tăng tương ứng 4,24% và 29,18% so với cùng kỳ năm 2021). Số lượng giao dịch qua POS đạt gần 223,34 triệu giao dịch với giá trị giao dịch đạt gần 382,58 nghìn tỷ đồng (tăng 25,39% về số lượng và 27,56% về giá trị).

Đồng thời, số lượng giao dịch qua ATM đạt gần 433,12 triệu giao dịch với giá trị giao dịch đạt gần 1.295,12 nghìn tỷ đồng (giảm 1,98% về số lượng và tăng 2,35% về giá trị) tăng trưởng chững lại, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Tổng số lượng thẻ đang lưu hành đạt 136,31 triệu thẻ (tăng 17,19%); giao dịch qua thẻ ngân hàng đạt hơn 292,88 triệu giao dịch, với giá trị đạt 658,77 nghìn tỷ đồng (tăng 36,7% về số lượng và 47,7% về giá trị).

Điểm đáng chú ý, trong 05 tháng đầu năm 2022, đã có 79 tổ chức tín dụng triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức tín dụng triển khai thanh toán qua Mobile, hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 2.553 triệu giao dịch, với giá trị đạt gần 83,98 triệu tỷ đồng (tăng 76% về số lượng và 30,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021).

Bà Phạm Thị Hương Giang, Phụ trách Phát triển kinh doanh Napas chia sẻ tại sự kiện

Bà Phạm Thị Hương Giang, Phụ trách Phát triển kinh doanh Napas chia sẻ tại sự kiện

Cụ thể, qua Internet đạt 423,7 triệu giao dịch với giá trị 18,5 triệu tỷ đồng (tăng 57,2% về số lượng và 32,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021); qua điện thoại di động đạt hơn 1.391,3 triệu giao dịch, với giá trị 16 triệu tỷ đồng (tăng 99,1% về số lượng và 86,1% về giá trị so với cùng kỳ 2021); qua QR code đạt 15,5 triệu giao dịch với giá trị 17,6 nghìn tỷ đồng (tăng 69% về số lượng và 113,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021).

Đến cuối tháng 3/2022, tổng số ví điện tử đã kích hoạt là khoảng 39,19 triệu ví (tăng 3,68% so với thời điểm cuối năm 2021, tương đương 10,37%). Tổng số lượng giao dịch bằng ví điện tử của các tổ chức được xử lý thành công đạt xấp xỉ 583,84 triệu món với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 271,36 nghìn tỷ đồng (tăng 45,82% về số lượng và 105,76% về giá trị).

Được biết, đến thời điểm hiện tại gần 70% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng, gần 5,5 triệu tài khoản thanh toán và khoảng 8 triệu thẻ được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động. Gần 1,77 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở với khoảng 67,2% trong đó được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Chia sẻ về các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) tại Lễ kích hoạt sự kiện Không dùng tiền mặt năm 2022 và “Tọa đàm mở về chính sách, giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội phối hợp tổ chức, bà Phạm Thị Hương Giang, Phụ trách Phát triển kinh doanh Napas cho biết, Napas là công ty cung cấp hạ tầng thanh toán quốc gia kết nối các ngân hàng, tổ chức tài chính, trung gian thanh toán thông qua hai nền tảng hạ tầng quan trọng nhất là chuyển mạch thẻ và chuyển tiền liên ngân hàng 24/7 trên tất cả các kênh giao dịch điện tử ATM, POS, điện thoại di động, cổng thanh toán trực tuyến.

Để đáp ứng nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ thanh toán không tiền mặt cho doanh nghiệp và người dân, theo bà Giang, Napas đã phối hợp các ngân hàng phát hành thẻ chip nội địa theo tiêu chuẩn mới do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Đến nay, thị trường đã có bộ sản phẩm thẻ chip nội địa đầy đủ nhất gồm thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước, thẻ đa ứng dụng. Thời gian qua, Napas đã nỗ lực hỗ trợ các ngân hàng thúc đẩy chuyển đổi thẻ chip cho người dân, đồng thời, mở rộng các tính năng, tiện ích giúp tăng trải nghiệm thanh toán nhanh, an toàn chỉ bằng 1 thao tác chạm thẻ của người dùng.

“Cụ thể, người dùng chỉ cần 1 chạm là có thể thanh toán khi tiêu dùng tại các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, du lịch hay thanh toán trong giao thông khi đi xe buýt điện Vinbus tại Hà nội và Hồ Chí Minh... Bên cạnh các giải pháp công nghệ, Napas đã phối hợp với các ngân hàng, đối tác liên tục triển khai các chương trình ưu đãi, khuyến khích thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân”, bà Giang nói.

Theo đó, các sản phẩm, dịch vụ của Napas đã góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không tiền mặt trong đời sống của người dân cũng như trong hoạt động kinh tế - xã hội nói chung. Đặc biệt, các giải pháp thanh toán như thẻ nội địa Napas, phương thức thanh toán bằng mã VietQR được đánh giá cao về độ phủ sóng, tính tiện lợi, linh hoạt, ứng dụng công nghệ hiện đại, tuân thủ tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước và tiêu chuẩn quốc tế.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục