Dự báo thị trường tài chính Mỹ dưới thời tổng thống mới

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đang đi đến hồi kết và chiến thắng được đánh giá nghiêng về ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden. Dự kiến, nếu đắc cử, sau khi nhậm chức ngày 20/1/2021, việc thực thi những cam kết chính sách trong quá trình tranh cử của ông Biden sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường cổ phiếu, trái phiếu, năng lượng và vàng.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ liên tục tăng sau ngày bầu cử Tổng thống Các chỉ số chứng khoán Mỹ liên tục tăng sau ngày bầu cử Tổng thống

Cổ phiếu

Theo số liệu lịch sử, niềm vui mà ứng cử viên tổng thống mới mang tới có thể kéo dài trong một khoảng thời gian. Cụ thể, kể từ năm 2000 tới nay, mỗi lần chỉ số S&P 500 leo dốc trong những phiên giao dịch trước ngày bầu cử, thì diễn biến trong tháng 11 và tháng 12 sau đó đều tích cực.

Năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống mới cũng thường là quãng thời gian leo dốc của thị trường chứng khoán. Số liệu từ Leuthold Group cho thấy, kể từ năm 1986, trung bình mức tăng của thị trường chứng khoán trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống mới là 18,6%.

Bên cạnh đó, một trợ lực tích cực cho đà tăng hiện tại của thị trường chính là bệ đỡ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Kể từ đầu năm 2020 tới nay, trước tác động của đại dịch Covid-19, Fed thường sử dụng nhiều công cụ để ngăn chặn nguy cơ “sụp đổ” của thị trường chứng khoán và cơ quan này vừa xác nhận thêm một lần nữa sẽ không đảo chiều các chính sách tiền tệ hiện tại cho tới hết năm.

Chưa kể, niềm hy vọng của thị trường về một gói hỗ trợ mới vẫn tồn tại, dù có sự bất đồng giữa phe Dân chủ và Cộng hoà về câu chuyện này.

Chỉ số S&P 500 tăng 7,3% trong tuần sau bầu cử ngày 3/11/2020, chỉ số Nasdaq 100 tăng 9,4%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Trong 4 ngày sau khi cuộc bầu cử kết thúc, chỉ số S&P 500 tăng hơn 1% mỗi ngày, diễn biến này chỉ xuất hiện 3 lần trong lịch sử.

Sau cơn hưng phấn, câu chuyện lớn nhất hiện tại là liệu chứng khoán có giữ được đà tăng trong bối cảnh các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung nhạy cảm trước không ít thông tin bất lợi?

Trên con đường tăng trưởng mà ông Biden đang mang tới cho thị trường chứng khoán xuất hiện không ít trở ngại, nhất là trong khoảng 10 tháng tới. Đầu tiên chính là đại dịch Covid-19 và những hậu quả khó lường mà dịch bệnh mang lại. Thứ hai là định giá cao của các cổ phiếu trên sàn chứng khoán Mỹ. Thứ ba là áp lực chính trị tại nghị trường nước Mỹ, nơi mà ông Biden nếu đắc cử Tổng thống sẽ phải gắng sức để “hàn gắn” sự chia rẽ tại Nghị viện.

Đó là chưa kể, một số chính sách mà Tổng thống đương nhiệm Donald Trump áp dụng đang tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và tình hình có thể thay đổi sau nếu phải chuyển giao quyền lực.

“Tình hình sẽ ngày càng khó khăn cho ông Biden. Ứng cử viên Đảng Dân chủ nhận chức khi các nền tảng kinh tế vĩ mô gặp khó khăn và chứng khoán đắt đỏ. Đây chính là “công thức” cho thảm hoạ trong ngắn hạn. Thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục bước trên lằn ranh chờ đợi ông Biden công bố một số chính sách mới, bao gồm cả những thay đổi về thuế nếu có. Đây sẽ là một trạng thái khó khăn để duy trì đà leo dốc”, Mike Bailey, Giám đốc nghiên cứu FBB Capital Partners nhận định.

Hiện tại, các thành viên thị trường chú tâm nhất tới câu chuyện thuế. Cụ thể, dưới thời Tổng thống Trump, chỉ 1 năm sau khi chính sách giảm thuế doanh nghiệp được áp dụng, lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 tăng 20% trong 3 quý liên tiếp, tỷ lệ chưa từng xảy ra kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu cho tới nay.

Trong khi đó, trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden tuyên bố muốn nâng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28%, đồng thời cam kết đưa mức lương trung bình lên cao hơn. Việc nâng thuế, gia tăng chi phí nhân sự… đều tác động mạnh tới lợi nhuận của doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán sẽ bước trên lằn ranh chờ đợi tổng thống nhiệm kỳ tới công bố một số chính sách mới, bao gồm cả những thay đổi về thuế nếu có

Các thành viên phố Wall cho rằng, khó có khả năng ông Biden sẽ đảo ngược chính sách thuế, nhất là với tình trạng chia rẽ tại Nghị viện như hiện nay. Nhưng trong kịch bản xấu nhất, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc S&P 500 có thể giảm một nửa trong năm 2021.

Trái phiếu

Triển vọng của thị trường trái phiếu hiện không rõ ràng, phần lớn phụ thuộc vào việc Fed sẽ thực thi những chính sách như thế nào để thúc đẩy kinh tế sau đại dịch, nhất là khi cơ quan này đã chi mạnh tay cho các chương trình mua vào tài sản kể từ đầu năm tới nay.

Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm không có nhiều biến động sau khi cuộc bầu cử kết thúc. Nhiều khả năng, lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp (0,78%/năm) hoặc giảm nhẹ nếu ông Biden đắc cử và chính thức nhậm chức Tổng thống.

Tuy nhiên, trong kịch bản tốt nhất với trái phiếu, ông Biden có khả năng sẽ đưa ra các gói hỗ trợ tài chính quy mô nhỏ hơn so với những gì thị trường kỳ vọng. Theo đó, trái phiếu sẽ leo dốc khi những người nắm giữ giảm bớt mối lo ngại lạm phát.

Năng lượng

Đối với giá dầu thô, nếu ông Biden trở thành Tổng thống có thể dẫn tới những yêu cầu thắt chặt nguồn cung trên thị trường, bao gồm sản phẩm dầu đá phiến. Ông Biden từng cho biết, ông có kế hoạch cấm khai thác các mỏ dầu mới, cũng như kiểm soát lượng khí đốt tự nhiên được khai thác tại các khu vực đất liên bang. Việc thắt chặt đầu ra có thể giúp giảm lượng cung và đẩy giá dầu lên cao hơn.

Đáng chú ý, một câu chuyện khác nếu ông Biden lên nắm quyền chính là việc ông có thể cân nhắc lại thoả thuận hạt nhân với Iran và nới lỏng các lệnh cấm vận. Điều này có thể dẫn tới việc nguồn cung dầu từ Iran xuất hiện trở lại trên thị trường.

Ông Biden đã công bố kế hoạch trị giá 2.000 tỷ USD nhằm đấu tranh chống biến đổi khí hậu, cam kết đầu tư vào các công ty năng lượng sáng tạo, thúc đẩy sự chuyển dịch năng lượng bền vững, các nhà máy sản xuất xe điện, nâng câp hàng triệu toà nhà với công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả.

Theo Caldwell, chiến lược gia tại Morningstar, những thay đổi về chính sách mới sẽ chưa tác động rõ ràng tới ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt. Diễn biến giá dầu hiện tại vẫn phụ thuộc phần lớn vào biến động cung cầu.

Thêm vào đó, sức mạnh của nhóm ngành năng lượng ít liên hệ với các chính sách công. Chẳng hạn, chính quyền của Tổng thống Trump rất “thân thiện” với các nhà sản xuất năng lượng hoá thạch, nhưng nhóm năng lượng thuộc S&P 500 vẫn gây thất vọng trong 4 năm qua. Kể từ tháng 11/2016 khi ông Trump nhận chức, Energy Select Sector SPDR Fund (theo dõi các cổ phiếu chọn lọc nhóm năng lượng) có hiệu suất đầu tư âm 14,8%, so với mức tăng trưởng 14% của chỉ số S&P 500.

Vàng

Kể từ tháng 8/2020 tới nay, giá vàng có xu hướng tăng nhẹ, cổ vũ nhà đầu tư tham gia thị trường. Thực tế, giá vàng lầm lũi leo dốc kể từ tháng 11/2016, tăng từ mức 1.183 USD/ounce lên khoảng 1.900 USD/ounce tới thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 (ngày 3/11).

Trước đó, ứng cử viên Đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử gần nhất là ông Barack Obama. Vị tổng thống này nắm quyền vào tháng 1/2009, khi đó giá vàng khoảng 890 USD/ounce. Kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên, giá kim loại quý này tăng 88,6%, đạt 1.685 USD/ounce.

Ông Biden có khả năng sẽ trở thành vị Tổng thống theo Đảng Dân chủ tiếp theo của nước Mỹ, nhưng bối cảnh hiện tại có nhiều khác biệt và không chắc giá vàng sẽ có xu hướng tăng.

“Tôi nghĩ, vấn đề tác động mạnh nhất tới vàng hiện nay là khi nào hết dịch và liệu vắc-xin Covid-19 có hiệu quả hay không? Điều này sẽ đóng góp phần quan trong trọng việc đưa nền kinh tế Mỹ quay lại đúng guồng”, Brent Cook, nhà địa chất, người sáng lập Exploration Insights nói.

Lam Phong (Tổng hợp)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ