Nỗi sợ hãi bao trùm giới đầu tư

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Phố Wall có phiên lao dốc vào thứ Năm (12/11) khi thị trường lo lắng trước sự lây lan chóng mặt của đại dịch Covid-19.

Ảnh Internet Ảnh Internet

Hôm thứ Tư (11/11), New York trở thành bang mới nhất ban hành các quy định giãn cách xã hội chặt chẽ hơn trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại Mỹ ghi nhận tăng hơn 100.000 ca trong ngày thứ tám liên tiếp. Cụ thể, chỉ trong ngày 11/11, có hơn 144.000 ca nhiễm mới được xác nhận ở Mỹ, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 tại nước này lên hơn 10 triệu ca.

Tối ngày thứ Tư, hãng dược Moderna thông báo vào tối ngày 11/11 rằng, giai đoạn cuối trong quá trình thử nghiệm vắc-xin của hãng đã thu thập đủ cơ sở dữ liệu để gửi kết quả sơ bộ cho hội đồng giám sát an toàn độc lập. Thị trường kỳ vọng, nhiều tin tức tích cực sẽ sớm xuất hiện trong thời gian tới.

Cùng với tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump của Đảng Cộng hòa một mực từ chối nhận thất bại trước ứng cử viên Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tuần trước cũng đang bắt đầu khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Mặt khác, báo cáo thất nghiệp được Bộ Lao động Mỹ công bố vào hôm thứ Năm cho thấy, tuần này, số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm từ 757.000 người xuống còn 709.000 người trong tuần trước, mức thấp nhất trong 7 tháng nhưng có thể thấy tốc độ phục hồi đã chậm lại do không nhận được sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ. Kết quả này cũng thấp hơn nhiều so với dự đoán của giới phân tích là 735.000.

Kết thúc phiên 12/11, chỉ số Dow Jones giảm 317,46 điểm (-1,08%) xuống 29.080,17 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 35,65 điểm (-1,00%) xuống 3.537,01 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 76,84 điểm (-0,65%) xuống 11.709,59 điểm.

Nỗi lo lắng về dịch bệnh cũng khiến chứng khoán châu Âu quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, rơi khỏi mức đỉnh trong 8 tháng thiết lập được trong phiên trước đó.

Các quốc gia châu Âu đang phải đối phó với tình trạng nhiễm bệnh gia tăng không ngừng và phải liên tục đưa ra các lệnh hạn chế xã hội mới khiến các cố vấn kinh tế của Đức đang có ý định cắt giảm triển vọng tăng trưởng trong năm tới.

Báo cáo mới nhất của Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh (ONS) công bố ngày 12/11 cho thấy nền kinh tế nước này trong tháng 9 đã tăng trưởng chậm hơn dự kiến ở mức 1,1% so với tháng 8, ngay cả trước khi có những hạn chế mới nhất đối với hoạt động kinh doanh để kiểm đại dịch.

Kết thúc phiên 12/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 43,16 điểm (-0,68%) xuống 6.338,94 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 163,23 điểm (-1,24%) xuống 13.052,95 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 82,64 điểm (-1,52%) xuống 5.363,57 điểm.

Chứng khoán châu Á hôm thứ Năm biến động trái chiều. Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tiến bước, nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu công nghệ. Mặc dù áp lực chốt lời diễn ra sau thời gian tăng mạnh gần đây đã kìm hãm bớt đà tăng của thị trường.

Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ khi dữ liệu mới nhất cho thấy, các khoản tín dụng mới trong tháng 10 đã giảm nhiều hơn dự kiến ​​xuống mức thấp nhất trong một năm do hạn ngạch cho vay bị thắt chặt.

Kết thúc phiên 12/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 171,28 điểm (+0,68%), lên 25.520,88 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 3,52 điểm (-0,11%), xuống 3.338,68 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 57,60 điểm (-0,22%), xuống 26.168,39 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 10,25 điểm (-0,41%), xuống 2.475,62 điểm.

Giá vàng tăng trong phiên 12/11 trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu suy yếu, do giới đầu tư tỏ ra thận trọng hơn với thị trường rủi ro khi số ca mắc Covid-19 gia tăng mạnh khiến mùa đông sắp tới sẽ vô cùng khó khăn.

Kết thúc phiên 12/11, giá vàng giao ngay tăng 11,60 USD (+0,62%), lên 1.876,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 11,70 USD (+0,63%), lên 1.873,30 USD/ounce.

Giá dầu giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm khi tâm lý thị trường bị đè nặng bởi sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 đang cản trở nền kinh tế toàn cầu, bên cạnh sự gia tăng bất ngờ dự trữ dầu thô của Mỹ.

Dữ liệu được Viện Hoá dầu Mỹ (API) công bố hôm thứ Năm cho thấy, tồn kho dầu thô tại nước này tăng 4,3 triệu thùng trong tuần trước, trong khi trước đó dự kiến ​​giảm 913.000 thùng.

Kết thúc phiên 12/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,33 USD (-0,8%), xuống 41,12 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,27 USD (-0,6%), xuống 43,53 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục