Đồng thời, tín dụng cải thiện tích cực, tăng trưởng tốt năm nay vượt cả chỉ tiêu kỳ vọng 17% và mục tiêu cho năm sau cao hơn cũng là một trong những nhân tố tác động đến lãi suất huy động vốn đầu vào.
Tuy nhiên, theo nhận định từ các lãnh đạo trong ngành, khả năng mặt bằng lãi suất vẫn ổn định, nếu tăng chỉ có thể nhích nhẹ.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, cung tiền của nền kinh tế vẫn ổn định, thậm chí là khá dồi dào ở không ít ngân hàng thương mại. Vì vậy, theo vị phó tổng giám đốc trên, lãi suất đầu vào khó tăng đột biến.
“Các dự báo đưa ra lãi suất VND sẽ tăng trở lại. Điều này cũng có thể xảy ra, song trước mắt khó có thể biến động mạnh. NHNN sẽ có những tính toán để ổn định thị trường, phù hợp với tình hình kinh tế”, vị phó tổng giám đốc này nói và cho rằng, để kích thích được nên kinh tế tăng trưởng cần thiết duy trì lãi suất ổn định ở mức thấp. Đây sẽ là yếu tố khiến nhà quản lý phải đặt ra trong nhiệm vụ điều hành lãi suất.
Mặt bằng lãi suất tiền đồng hiện nay được đánh giá là phù hợp với chính sách tính dụng và với mức lãi suất hiện nay, người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương.
Thực tế, không chỉ Việt Nam mà ở các nước phát triển trên thế giới lãi suất được ổn định ở mức thấp để kích thích tăng trưởng kinh tế. Ở các nước trên thế giới, gửi tiết kiệm thậm chí lãi suất còn bằng 0%/năm như Mỹ, đã duy trì lãi suất cơ bản đồng USD trong thời gian gần 1 thập kỷ vừa qua.
Theo TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa quản trị và kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP. HCM, với mức lãi suất hiện nay, người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương. Còn theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam, lãi suất thấp mới kích thích được nguồn vốn đầu tư, thay vì tiết kiệm lãi suất cao như những năm 2011 nhà đầu tư chỉ gửi tiền ở ngân hàng.
Các ngân hàng thương mại đang có động thái nhích dần lãi suất huy động. Sacombank tăng lãi suất gửi tiền đồng thêm mức 0,2-0,3%/năm mỗi năm cho một số kỳ hạn ngắn. Trong đó, kỳ hạn 1-2 tháng đều lên mức 4,8% lãi cuối kỳ. Các kỳ hạn 3, 4 và 5 tháng đều tăng lần lượt lên 5,2%, 5,25% và 5,3% một năm, cao hơn 0,2% so với biểu niêm yết đầu tháng 12.
VPBank, VietCaptialBank, Saigonbank ... cũng có động thái tăng lãi suất huy động. Tại VPBank, lãi suất tăng thêm khoảng 0,5%/năm so với mức lãi suất hiện tại, tập trung vào kỳ hạn 1-2 tháng. Riêng kỳ hạn 6-7 tháng tăng mạnh lên 6,4%/năm, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của các ngân hàng khác (5,4-5,6%/năm).
Theo một lãnh đạo trong ngành ngân hàng, diễn biến điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động vừa qua chỉ mới là động thái của các ngân hàng thương mại, chứ không phải động thái của thị trường. Bởi lãi suất chỉ là một biến thiên của thị trường và hiện không phải ngân hàng thương mại nào cũng tăng lãi suất mà chỉ tăng ở một số ít ngân hàng.
Thực tế cho thấy, ở một số ngân hàng thương mại đang thừa tiền, nhưng cũng không loại trừ ở một số nhà băng khác cũng có thể đang thiếu nguồn.
Mặt bằng lãi suất tiền đồng hiện nay được đánh giá là phù hợp với chính sách tính dụng. Vì lãi suất bao giờ cũng phải sát với thực tế thị trường và dựa trên quan hệ cung – cầu vốn của nền kinh tế. Người dân có tiền cũng sẽ gửi ngân hàng, rất ít người để ở nhà. ngân hàng thương mại là trung gian thu hút nguồn tiền nhàn rỗi và cho vay ra nền kinh tế.
Hiện nguồn tiền gửi vào ngân hàng vẫn gia tăng, thanh khoản cuối năm nay tăng trưởng ổn định, cho dù lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có tăng thời gian qua.
Theo đánh giá của HSBC, chính mức cải thiện của tín dụng ngàng ngân hàng, cùng với sự phấn khích hơn về những thay đổi trong quy định sở hữu nước ngoài của Việt Nam cũng đã châm ngòi cho sự hồi sinh của thị trường bất động sản.
Cũng theo HSBC, Chính phủ và NHNN đang rất tích cực hồi phục thị trường bất động sản, bởi giá nhà, đất phục hồi sẽ thúc đẩy giá trị ký quỹ của các ngân hàng và giúp lĩnh vực ngân hàng thoát khỏi vấn đề nợ xấu đang tồn tại. Đồng thời, cầu tín dụng, trong đó có tín dụng bất động sản tăng đòi hỏi ngân hàng tăng huy động vốn. Vì vậy, lãi suất huy động tiết kiệm sẽ nhích dần, nhưng khó biến động mạnh.
HSBC dự báo một số lãi suất chỉ đạo của NHNN sẽ chỉ tăng vào quý III/2016, bởi lạm phát sẽ tăng từ mức thấp kỷ lục 0,5% trong năm 2015 lên mức 4,8% vào cuối năm 2016.