Dự án xin chuyển đổi: Rầm rộ khởi công rồi… để đấy!

(ĐTCK) Một số dự án dù mới nộp hồ sơ xin chuyển đổi vẫn rầm rộ khởi công, nhưng sau lễ khởi công hoành tráng, dự án lại được trả lại nguyên hiện trạng… là một bãi đất trống.
Dự án xin chuyển đổi: Rầm rộ khởi công rồi… để đấy!

Tổ chức lễ khởi công rầm rộ chỉ để… PR?

Tại số báo trước, Đầu tư Bất động sản đã có bài phản ánh thực trạng của các dự án nhà thương mại xin chuyển sang nhà ở xã hội (NƠXH). Theo đó, đa số dự án xin chuyển đổi đều đang trong tình trạng đắp chiếu từ lâu. Thậm chí, dự án đầu tiên được chấp nhận chuyển đổi là Dự án Khu nhà ở hỗn hợp cao tầng đô thị Sông Đà tại 134 Trần Phú, Hà Đông của CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Sông Đà (SDU), nhưng thay vì tiến hành triển khai, chủ đầu tư vẫn “im hơi, lặng tiếng”.

Dự án xin chuyển đổi: Rầm rộ khởi công rồi… để đấy! ảnh 1

Khu đất làm NƠXH của C.E.O sau lễ khởi công rầm rộ đã trở lại thành bãi đất trống

Trong khi phần lớn doanh nghiệp có dự án xin chuyển đổi còn đang nghe ngóng, thì mới đây, CTCP Đầu tư C.E.O, chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Sunny Garden City (huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã rầm rộ tổ chức lễ khởi công dự án NƠXH tại Lô đất N1+N3 (thuộc Dự án Sunny Garden City). Cho đến thời điểm này, đây là dự án đầu tiên trong danh sách 21 dự án xin chuyển đổi sang NƠXH tại Hà Nội khởi công, dù khu căn hộ này vẫn đang trong quá trình xét duyệt chuyển đổi sang NƠXH.

Thế nhưng, việc “gióng trống, khua chiêng”, khởi công dự án NƠXH của C.E.O dường như chỉ là chiêu PR cho Dự án, bởi ngay sau ngày khởi công, chủ đầu tư đã thu hết máy móc, công nhân, khiến lô đất làm NƠXH của C.E.O giờ đây trở lại thành một bãi đất trống.

 

Dự án xin chuyển đổi không có “đất sạch”?

Trong danh sách 21 dự án xin chuyển đổi sang làm NƠXH tại Hà Nội, có những dự án, mà việc chuyển đổi dường như chỉ để phục vụ cho những toan tính khác của doanh nghiệp, vì việc triển khai dự án trên thực tế khó khả thi, nhất là về mặt bằng.

Cụ thể, tại Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp tại địa chỉ 352 đường Giải Phóng (quận Thanh Xuân) của CTCP Bách Hóa, nếu triển khai dự án NƠXH, doanh nghiệp sẽ không dễ dàng có mặt bằng “sạch”.

Theo tìm hiểu, khu đất 352 đường Giải Phóng hiện là nơi sinh sống của nhiều hộ gia đình và là nơi làm việc của nhiều doanh nghiệp, với nhà xưởng san sát. Không ít người dân sống trong khu vực thậm chí còn chưa biết khu đất sẽ được chuyển đổi để làm NƠXH.

Trong khi đó, một dự án khác nằm trong danh sách xin chuyển sang làm NƠXH cũng của CTCP Bách Hóa tại 486 đường Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì), hiện nay cũng là một “ẩn số”, bởi dự án hiện vẫn là một khu dân cư. Nếu việc xin chuyển đổi sang NƠXH thành công, cũng không biết khi nào công ty này mới có thể có “đất sạch” để triển khai dự án.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng mới đây, nhu cầu về NƠXH trên địa bàn TP. Hà Nội là 100.000 căn, trong khi nguồn cung NƠXH hiện rất hạn chế. Vì thế, việc doanh nghiệp chuyển đổi dự án nhà thương mại sang NƠXH được tạo điều kiện và nhận được nhiều hỗ trợ từ các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thực tế tại các dự án xin chuyển đổi sang NƠXH tại Hà Nội hiện nay cho thấy, dù được chuyển đổi, nguồn cung không dễ dàng tăng. Bởi nhiều doanh nghiệp đã được chuyển đổi, hoặc đang xin chuyển đổi dự án vẫn chưa sẵn sàng triển khai.

Theo một số đại diện doanh nghiệp bất động sản, việc chuyển đổi dự án nhà thương mại sang NƠXH là một hướng đi phù hợp trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn kéo dài. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn coi việc chuyển đổi dự án sang NƠXH như một cái “phao” để giữ đất, giữ dự án, lại được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi. Vì thế, dù có nhiều dự án xin chuyển đổi, nhưng nguồn cung NƠXH sẽ khó có sự đột biến trong thời gian ngắn.

Phương Anh
Phương Anh

Tin cùng chuyên mục