Dự án Xi măng Thanh Sơn: 7 năm vẫn dang dở

Khởi công xây dựng đã 7 năm, nhưng đến thời điểm này, Dự án Nhà máy Xi măng Thanh Sơn (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) vẫn dở dang, gây thiệt hại về vật chất cho chủ đầu tư và bức xúc cho người dân địa phương.
Tình trạng cung vượt cầu đang khiến cho sản phẩm xi măng của nhiều nhà máy tiêu thụ chậm Tình trạng cung vượt cầu đang khiến cho sản phẩm xi măng của nhiều nhà máy tiêu thụ chậm

Năm 2007, Dự án Xi măng Thanh Sơn, công suất 1 triệu tấn xi măng/năm, với tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng được khởi công xây dựng. Tại thời điểm đó, Dự án từng được kỳ vọng là “điểm nhấn” của ngành công nghiệp vùng miền núi phía Tây Thanh Hóa.

Nhưng hiện tại, toàn bộ mặt bằng Dự án (rộng 40 ha) vẫn chỉ là bãi đất hoang, bởi chỉ được thi công một thời gian, đến năm 2010, thì dự án đã bị đình trệ hoàn toàn bởi… thiếu vốn. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng xác nhận rằng, Dự án Xi măng Thanh Sơn bị đình trệ do chủ đầu tư thiếu vốn.

Hậu quả của việc Dự án bị ngưng trệ

Chính vì tình trạng trên, mà hàng trăm hộ dân nghèo của xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc đã phải hy sinh đất nông nghiệp cho dự án này đang sống vất vưởng, khổ sở. Không chỉ có vậy, một số người (là thành viên trong gia đình các hộ này) đã từng được đi học nghề để trở thành công nhân làm việc trong Nhà máy lại đang mòn mỏi chờ đợi… chưa biết đến bao giờ. Trước mắt, họ phải tìm mọi cách xoay xở để duy trì cuộc sống.

Ông Lê Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc nhận xét: “Dự án Xi măng Thanh Sơn được quy hoạch trên đất nông nghiệp. Nông dân đã hy sinh đất với mong muốn, khi hoàn thành, Dự án sẽ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho con cháu họ, song thực tế lại không như kỳ vọng”.

Được biết, Dự án Xi măng Thanh Sơn do CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long (Hà Nội) làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch ban đầu, Dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động từ quý IV/2010. Việc dự án ngừng triển khai không chỉ gây thiệt hại nhiều mặt cho địa phương, mà nhà đầu tư cũng phải gánh chịu nhiều tổn thất.

Về phía địa phương, ngoài việc phải chi 200 triệu đồng tiền từ ngân sách để hỗ trợ giải phóng mặt bằng, UBND huyện còn phải đối mặt với sức ép của dư luận, của người lao động chờ việc sau đào tạo; của những người nông dân không còn đất canh tác...

Về phía chủ đầu tư, họ đã tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để san lấp mặt bằng, khoan cọc nhồi, xây dựng khu nhà ở cho cán bộ, chuyên gia và hạ tầng cơ sở (đường, điện...). Theo  Công ty Thăng Long, Dự án đã triển khai các hạng mục san lấp mặt bằng, xây tường rào bao quanh, xây dựng khu nhà điều hành, khoan đổ bê tông khoan nhồi 438 cọc bê tông, hệ thống rãnh thoát nước và cử hơn 200 công nhân kỹ thuật đi đào tạo. Số hạng mục hoàn thành trị giá tới 400 tỷ đồng.

Tương lai mù mịt của Dự án

Hiện tại, việc có thể tiếp tục xây dựng Dự án để hoàn thành hay không vẫn là câu hỏi chưa thể trả lời. Và ngay cả trong điều kiện thuận lợi nhất, khi Dự án hoàn thành và đi vào sản xuất, thì các yếu tố tính toán cho thời điểm dự kiến gia nhập thị trường đã hoàn toàn khác sau 4 năm, nhất là với sự trầm lắng của thị trường bất động sản làm giảm nhu cầu tiêu thụ xi măng.

Trong khi đó, chỉ trong 4 năm qua, với sự tham gia nhanh chóng của hàng chục dây chuyền sản xuất xi măng có công suất lên đến hàng chục triệu tấn/năm, đã khiến nhịp độ sản xuất của các thương hiệu lớn rơi vào tình trạng “dần dần hạ nhiệt”.

Khó khăn đối với Dự án không chỉ có vậy, theo nhận định của một lãnh đạo Sở Công thương Thanh Hóa, nếu Dự án Xi măng Thanh Sơn hoàn thành, thì giá bán sản phẩm phải gánh thêm chi phí vận chuyển, nên sẽ rất khó tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, cơ quan quản lý nhà nước về ngành hàng này đã “hầu như mất tín hiệu” với Dự án Xi măng Thanh Sơn. Như vậy, trong một chừng mực nào đó, sự hiện diện hay “mất tích” của Dự án này hầu như không còn mấy giá trị đối với ngành công nghiệp xi măng, vốn đã gặp quá nhiều sóng gió trong những năm gần đây.

Tương lai của Dự án Xi măng Thanh Sơn là rất mù mịt, cái thấy rõ nhất chỉ là  thiệt hại về tiền đầu tư dang dở của chủ đầu tư; sự mất mát của người dân đã nhường đất cho Dự án; sự lỡ làng của những người nông dân đã chuẩn bị tư thế để chuyển đổi thành công nhân…

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục