Dự án PPP với tâm lý chờ văn bản hướng dẫn

0:00 / 0:00
0:00
Tại sao vốn tư nhân trong nước và quốc tế chưa quay trở lại lĩnh vực hạ tầng như kỳ vọng sau 3 năm Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) có hiệu lực hiện là câu hỏi được cả nhà đầu tư cùng cơ quan quản lý nhà nước tìm câu trả lời.
Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả đầu tư theo hình thức PPP. Ảnh: Đức Thanh Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả đầu tư theo hình thức PPP. Ảnh: Đức Thanh

Nguồn cơn đều vì… chậm

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Luật PPP tròn 3 năm có hiệu lực (tính từ ngày 1/1/2021), chỉ có duy nhất Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) ban hành các thông tư hướng dẫn về đầu tư theo phương thức này đối với các dự án thuộc phạm vi quản lý của Bộ; còn các bộ, ngành khác chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết tương tự.

Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia Ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), đại diện Nhóm Nghiên cứu Báo cáo Đầu tư theo phương thức PPP tại Việt Nam chỉ ra rào cản lớn nhất mà doanh nghiệp , nhà đầu tư lý giải cho tình trạng “hầu như không có dự án PPP mới trong 3 năm qua”.

Nếu như tính từ thời điểm phải hoàn thành là quý II/2022 mà Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị 30/2021/CT-TTg, thì cũng chỉ duy nhất Bộ GTVT thực hiện, dù có văn bản ban hành chậm hơn 6 tháng.

“Một số lĩnh vực có nhu cầu đầu tư PPP như điện lực, xử lý chất thải… cho đến giờ vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết theo yêu cầu”, ông Đức báo cáo thực trạng. Điều đáng nói là, chính việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn khiến không chỉ nhà đầu tư, mà cả cơ quan có thẩm quyền e ngại.

“Đang có tâm lý chờ đợi khung pháp lý chi tiết hơn mới bắt tay vào làm. Tôi nhận thấy rõ thực tế này khi làm việc với cả nhà đầu tư và cơ quan nhà nước”, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink cho biết.

Đặc biệt, theo bà Hà, trong số các hướng dẫn cần có, thì mẫu hợp đồng PPP là một trong những văn kiện quan trọng trong quy trình tiếp cận, chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án đầu tư, có tính chất chỉ dẫn cho nhà đầu tư về điều kiện, quy trình đầu tư dự án PPP.

“Chưa có mẫu hợp đồng, thì không nhà đầu tư nào an tâm tham gia. Vai trò của quản lý nhà nước trong việc định hướng, dẫn dắt nhà đầu tư tham gia lĩnh vực ưu tiên và các dự án trọng điểm thu hút đầu tư PPP cũng bị giảm”, bà Hà phân tích.

Nhưng trong lĩnh vực giao thông - được cho là có hệ thống văn bản hướng dẫn hoàn thiện nhất, thì các doanh nghiệp vẫn đang chờ Bộ GTVT hoàn thiện Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung của loại hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M) đường bộ cao tốc.

“Việc thu hút nguồn vốn và kinh nghiệm của khu vực tư nhân trong giai đoạn vận hành giúp tăng hiệu quả sử dụng các dự án đã được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, giải phóng nguồn lực công cho các dự án khác. Tuy nhiên, các nhà đầu tư thường có nhu cầu xây dựng hoặc điều chỉnh một số hạng mục tài sản cố định để phục vụ việc khai thác, quản lý vận hành, nhưng đến giờ chưa có cơ sở pháp lý thực hiện”, ông Đức cho biết.

Thế khó từ cơ quan quản lý

Chia sẻ từ phía nhà đầu tư, bà Nguyễn Linh Giang, Chánh văn phòng PPP, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận, áp lực mà các bộ, ngành đang gánh rất nặng.

“Khác với ngành giao thông, năng lượng đã có nhiều dự án BOT được triển khai trước khi có Luật PPP, nhiều bộ, ngành khác chưa xác định được mô hình PPP nào là phù hợp. Như trong y tế , nên áp dụng BOT hay BTL (nhà nước thu phí, thanh toán cho nhà đầu tư), nên không ra được thông tư hướng dẫn chi tiết”, bà Giang làm rõ nguyên nhân.

Chưa kể, pháp luật chuyên ngành về điện lực, giáo dục, cấp nước, xử lý nước thải, rác thải, hạ tầng công nghệ thông tin, y tế… chưa được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của Luật PPP đối với từng lĩnh vực.

Song, có thực tế là, trước khi Luật PPP được ban hành, các lĩnh vực này phát triển hình thức huy động nguồn vốn xã hội hóa. Chính sách xã hội hóa dễ triển khai, không phải nghiên cứu chuẩn bị dự án, không phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, không quản lý trên cơ sở hợp đồng, nên thường được chọn, thay vì nghiên cứu các mô hình mới.

“Các bộ, ngành cần nghiên cứu, phân định cụ thể PPP và xã hội hóa, để đảm bảo sự công bằng, lợi ích của người dân trong sử dụng các dịch vụ công”, bà Giang đề xuất.

Tuy vậy, ở góc độ cơ quan hoạch định chính sách, bà Giang thừa nhận, khó khăn trong kêu gọi nhà đầu tư tham gia hình thức PPP có nguyên nhân từ sự thiếu đồng bộ trong các quy định pháp luật về PPP và pháp luật có liên quan.

“Số nhà đầu tư quan tâm dự án thông qua khảo sát còn rất hạn chế, thường mỗi dự án chỉ có 1-2, chủ yếu là một nhà đầu tư quan tâm”, bà Giang nói.

Từ thời điểm Luật PPP có hiệu lực đến nay, mới có 2 hợp đồng PPP được ký kết, 10 dự án được phê duyệt, 14 dự án đang trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư. Ngoài ra, có hơn 100 dự án PPP được triển khai trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành, đang tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết.

Cuối tuần trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có cuộc họp báo cáo Phó thủ tướng Lê Minh Khái một số giải pháp để thúc đẩy mô hình PPP. Trong đó, trước mắt sẽ ban hành Nghị định sửa nhiều nghị định để giải quyết các tồn tại của Nghị định 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP và Nghị định số 28/2021/NĐ-CP về cơ chế tài chính thực hiện các dự án PPP. Hàng loạt tồn tại mà các nhà đầu tư, địa phương đặt ra đã được đề cập, như quy mô tổng mức đầu tư; trình tự, thủ tục chuyển giao tài sản công trình; trình tự thực hiện tiểu dự án trong dự án PPP; việc áp dụng loại hợp đồng O&M; các vấn đề xác định giá trị tài sản công trong phần vốn nhà nước tham gia dự án; vướng mắc về căn cứ tham khảo lãi suất vốn vay; quy định các chỉ tiêu phân tích, đánh giá tính khả thi của phương án tài chính cho từng lĩnh vực cụ thể… Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã báo cáo Chính phủ 5 nhóm vấn đề tồn tại liên quan đến Luật PPP, gồm hạn mức vốn nhà nước, lĩnh vực đầu tư, dự án BOT trên đường hiện hữu, chi phí chấm dứt hợp đồng trước thời hạn…

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục