Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy: Cần hướng đến hoàn thiện các giải pháp phòng cháy trước tiên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dự án Luật Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ do Chính phủ vừa trình Quốc hội được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá là mới chỉ đề ra được những giải pháp chữa cháy chứ chưa có giải pháp toàn diện để phòng cháy.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội, Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội) góp ý cho dự án Luật PCCC và CNCH chiều 19/6 (Ảnh: M.Minh) Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội, Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội) góp ý cho dự án Luật PCCC và CNCH chiều 19/6 (Ảnh: M.Minh)

Chiều 19/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Luật PCCC và CNCH). Đây là dự án luật vừa được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào chiều cùng ngày và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV vào tháng 10/2024.

Nội dung về phòng cháy còn sơ sài

Tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội) bày tỏ nhất trí về sự cần thiết của Luật PCCC và CNCH.

Góp ý về các nội dung cụ thể, ông Chính cho rằng, qua các vụ cháy nhà dân ở Hà Nội gần đây thì thấy có nhiều nguyên nhân; chẳng hạn như vụ cháy chung cư mini ở Trung Kính làm 14 người tử vong có một nguyên nhân quan trọng là cháy ắc quy của xe máy điện... Do đó, Luật này cần hướng đến hoàn thiện các giải pháp phòng cháy trước tiên, rồi sau đó mới đến chữa cháy.

Tuy nhiên, đại biểu Chính cho rằng, Luật đề ra các giải pháp chữa cháy khá toàn diện, trong khi nội dung về phòng cháy còn khá sơ sài; gần như chỉ mới nói đến chữa cháy chứ chưa có phòng cháy.

"Tôi cho rằng, Luật PCCC và CNCH cần quy định các biện pháp phòng cháy đầy đủ, phù hợp hơn với thực tiễn. Đặc biệt là công tác tuyên truyền giáo dục, không nên chỉ giao trách nhiệm chính cho Mặt trận tổ quốc mà tất cả các cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình, cá nhân… đều có trách nhiệm này.

Mặt khác, nên quy định trong trường hợp có cháy thì phải phát huy, huy động tất cả phương tiện cùng tham gia chữa cháy chứ không chỉ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp", ông Chính đề nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng, Chương 2 của dự thảo Luật PCCC và CNCH chỉ có vài điều về phòng cháy thì chưa đủ. Theo đại biểu, cần làm rõ công tác phòng cháy đối với mọi loại hình công trình, ví dụ phòng cháy nhà ở thế nào, ở chung cư và khu công nghiệp ra sao...; bởi vì các biện pháp phòng chống cháy nổ ở từng khu vực đặt ra yêu cầu khác nhau.

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) - Ảnh: M.Minh

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) - Ảnh: M.Minh

Kể cả phòng cháy nhà ở là lĩnh vực phổ biến nhất, theo đại biểu, cũng chỉ có một Điều rất sơ sài (Điều 7), như vậy chưa thể hiện được hết yêu cầu đặt ra.

"Đề nghị cơ quan soạn thảo có sự đầu tư thêm để đề ra được những biện pháp phòng ngừa cháy nổ kỹ càng hơn. Đặc biệt phải tăng cường quy định liên quan đến kiểm tra, thanh tra thường xuyên. Công trình có thể đảm bảo nhưng chỉ cần lơ là công tác thực hiện là rủi ro cháy nổ có thể xảy ra", ông Long nhấn mạnh.

Đề cao các giải pháp phòng cháy ngay từ khi thực hiện quy hoạch và xây dựng lực lượng

Cũng góp ý cho dự án Luật về nâng cao các giải pháp phòng cháy hơn là chữa cháy, Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm (đại biểu đoàn Hà Nội) nhấn mạnh các giải pháp về quy hoạch. Cụ thể, đại biểu cho rằng, cần đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn ngay khi ban hành các quy hoạch.

Theo đó, cần tìm hiểu kỹ hơn về hệ thống quy hoạch hiện hành để có các quy định hợp lý.

Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm (đại biểu đoàn Hà Nội)

Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm (đại biểu đoàn Hà Nội)

Đại biểu nêu, khoản 1 Điều 13 của dự thảo Luật đã nêu 3 yêu cầu của việc phòng cháy và cứu nạn cứu hộ liên quan đến công tác quy hoạch song chỉ nêu nguyên tắc chung chung, 3 yêu cầu này không thể áp dụng chung cho 3 loại quy hoạch là quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.

"Trong bối cảnh hiện nay, không thể không nêu cụ thể yêu cầu PCCC và CNCH trong từng cấp, từng loại quy hoạch", đại biểu Thích Bảo Nghiêm nêu quan điểm.

Về lực lượng phòng cháy chữa cháy, điều 40 của dự thảo Luật quy định bao gồm: hệ thống tổ chức lực lượng dân phòng cơ sở, lực lượng phòng cháy chữa cháy ở cơ sở, lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên ngành và cảnh sát PCCC. Đại biểu Thích Bảo Nghiêm đề nghị bổ sung lực lượng PCCC và CNCH tự nguyện và có chính sách thu hút lực lượng này bằng những quy định thể hiện rõ trong dự thảo Luật.

Làm rõ phạm vi điều chỉnh đối với nội dung "cứu hộ, cứu nạn"

Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật, đại biểu Khuất Việt Dũng (đoàn Hà Nội) nhận định, dự thảo Luật PCCC và CHCN quy định nội dung phòng cháy, chữa cháy khá chi tiết cụ thể còn vấn đề cứu nạn, cứu hộ thì còn đang mở.

Đại biểu Khuất Việt Dũng (đoàn Hà Nội) - Ảnh: M.Minh

Đại biểu Khuất Việt Dũng (đoàn Hà Nội) - Ảnh: M.Minh

Theo đại biểu, cứu hộ cứu nạn là vấn đề rộng hơn, với sự tham gia của nhiều lực lượng, ví dụ cứu hộ cứu nạn trên biển có lực lượng không quân, hải quân tham gia, cùng với biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư; còn cứu hộ cứu nạn trên bờ, ví dụ sập hầm mỏ, thì có lực lượng công binh và các lực lượng khác.

Vị đại biểu cho rằng, chương về cứu hộ, cứu nạn chưa đầy đủ; đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn phạm vi và các quy định về cứu hộ cứu nạn rồi phòng ngừa tai nạn sự cố, xây dựng nhiệm vụ của các lực lượng cứu hộ cứu nạn.

"Ở đây mới nói đến lực lượng cứu hộ, cứu nạn của lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Nếu như vậy chỉ cần lấy tên là Luật Phòng cháy chữa cháy, trong đó đã có hoạt động cứu hộ cứu nạn. Còn nếu điều chỉnh cả cứu hộ cứu nạn thì cần làm rõ chi tiết hơn, vì nội dung cứu hộ cứu nạn nói chung hiện nay đã có Luật Phòng thủ dân sự điều chỉnh", ông Dũng nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Quản Minh Cường (Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng, phải xác định phạm vi điều chỉnh của Luật này khác Luật phòng thủ dân sự và các luật khác liên quan.

Đại biểu Quản Minh Cường (Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai)

Đại biểu Quản Minh Cường (Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai)

Bởi vì Luật này chỉ mới điều chỉnh phạm vi chữa cháy công trình thông dụng trên cạn với lực lượng chủ đạo là cảnh sát PCCC. Các vấn đề chữa cháy trên biển, chữa cháy kho xăng dầu... thì Luật này không điều chỉnh được.

Đối với vấn đề cứu hộ cứu nạn, Luật này cũng mới điều chỉnh cứu hộ cứu nạn khi xảy ra cháy. Còn khi các thảm hoạ khác xảy ra thì lực lượng chính phải là quân đội và lực lượng phòng thủ dân sự. Công an không đủ phương tiện và cũng không được Đảng và Nhà nước giao cho nhiệm vụ này.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục