Chỉ trong ngày 16/6, cả nước xảy ra hai vụ cháy nổ nghiêm trọng: Vụ cháy nhà 2 tầng ở TP. Bắc Giang vào lúc 4h sáng khiến 3 người tử vong và vụ cháy nhà 6 tầng ở phố Định Công Hạ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) lúc 6h chiều làm thiệt mạng 4 người.
Trước đó, Hà Nội đã để xảy ra một số vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng về người và của như vụ cháy chung cư mini ở phường Khương Hạ (quận Thanh Xuân) hồi tháng 9/2023 làm 56 người tử vong và vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh xe đạp điện ở phố Trung Kính (quận Cầu Giấy) hồi tháng 4/2024 khiến 14 người tử vong.
Rà soát mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh
Sáng 17/6, trong ngày làm việc đầu tiên của đợt 2 kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, bên hành lang Quốc hội, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán góc nhìn đại biểu về sự việc này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, mỗi khi đọc tin tức có một vụ cháy xảy ra, bà đều cảm thấy rất đau buồn, bởi mỗi vụ cháy đều đem đến thiệt hại rất nặng nề về người và của, đặc biệt là người. Dư luận còn chưa hết bàng hoàng với hai vụ cháy Khương Hạ và Trung Kính thì chỉ trong ngày 16/6, đã có thêm 7 người dân nữa phải ra đi vì cháy nhà.
"Sáng 19/6 tới, Quốc hội sẽ xem xét dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ. Các vụ cháy vẫn liên tiếp xảy ra trong lúc cơ quan chức năng đang nỗ lực rà soát, khắc phục … là điều rất đau lòng", bà Nga nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 17/6. Ảnh: M.Minh |
Có thể thấy, các vụ cháy gần đây thường xảy ra ở các chung cư mini, các khu nhà trọ bình dân, chưa đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cũng như quy định phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất rất dễ xảy ra cháy nổ do phải tận dụng không gian tối đa cho mục đích kinh doanh nên sẽ hạn chế không gian dành cho thoát hiểm, thoát khói và bố trí công cụ cứu hộ khác.
Thực tế, ở các đô thị Việt Nam, hầu hết mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn, nhất là kinh doanh các mặt hàng dễ cháy. Điều nguy hiểm là hết ngày làm việc, người thuê sẽ về, chủ nhà không kiểm tra bởi không thuộc quyền quản lý của mình nữa. Khi xảy ra cháy ở tầng 1 (tầng cho thuê kinh doanh), lửa sẽ bốc lên, những người sinh sống ở tầng trên gần như không có chỗ thoát thân.
Vì thế, theo đại biểu, trong lúc chờ đợi hoàn thiện pháp lý trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, để ngăn ngừa những vụ cháy thương tâm xảy ra thì giải pháp cấp bách trước mắt là cần rà soát các mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh, yêu cầu trang bị thiết bị, giải pháp phòng cháy, chữa cháy.
Cùng với đó, cần nâng cao ý thức người dân. Theo tôi, đây là giải pháp rất quan trọng. Chúng ta dù có bao nhiêu quy định, hạ tầng dù tốt thế nào nhưng người dân không chấp hành thì cháy vẫn xảy ra.
Theo đó, cần bắt buộc có tập huấn cho cả chủ nhà lẫn hộ thuê để kinh doanh về phòng cháy chữa cháy.
Xem xét trách nhiệm người đứng đầu nếu buông lỏng quản lý
Nói về trách nhiệm quản lý, đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng, trong thời gian qua, sau khi xảy ra vụ cháy ở một số chung cư mini, các cơ quan chức năng đã và đang tích cực rà soát các nhà dân, đặc biệt các khu nhà cũ trong ngõ sâu ở khu vực đông dân cư, các mô hình nhà ở kết hợp cho thuê, nhà ở kết hợp kinh doanh... để đánh giá rủi ro cháy nổ.
Vụ cháy nhà ở TP. Bắc Giang sáng 16/6 khiến 3 người tử vong, nhiều tài sản bị huỷ hoại |
Cháy nổ xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là nhà ở không đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy.
"Khi các tiêu chuẩn này không đảm bảo, nếu ngọn lửa bùng phát, lực lượng cứu hộ sẽ không dập lửa được ngay, và người dân sẽ khó lòng thoát chết nếu không có lối thoát hiểm", bà Nga nói và nhấn mạnh, nhà ở không đáp ứng tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy có nguyên nhân là do chính quyền địa phương vẫn còn đang buông lỏng quản lý.
Bởi vì, tất cả các tiêu chuẩn trên đều được giao cho chính quyền địa phương, từ cấp phép xây dựng đến thẩm định các điều kiện, kiểm tra, xử phạt… Câu hỏi đặt ra là: Để những cơ sở chưa đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy này hoạt động thì trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu?
Ví dụ, vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ năm ngoái khiến 56 người thiệt mạng là do xây dựng sai phép. Ban đầu chỉ xin xây dựng nhà ở của người dân với số tầng nhất định được cho phép nhưng sau đó chia thêm tầng và bị chuyển đổi công năng thành chung cư mini. "Như vậy chính quyền và địa phương liệu có biết hay không, hay là biết nhưng có sự làm ngơ?", vị đại biểu nêu câu hỏi.
Từ đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu có sự buông lỏng quản lý dẫn đến hậu quả là xảy ra cháy nổ.
Nhưng điều quan trọng, theo đại biểu, cùng với quy trách nhiệm, phải có sự xử lý rốt ráo, chứ không phải chỉ ra do xây dựng sai phép, do chính quyền địa phương còn buông lỏng… rồi thôi thì không có hiệu quả.
"Nếu địa phương không quyết liệt trong khâu quản lý nhà nước và khâu rà soát thẩm định thì chúng ta chỉ cứ tuyên truyền rồi mọi việc lại như cũ", bà Nga nhấn mạnh.