Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ khắc phục vấn đề sở hữu chéo

0:00 / 0:00
0:00
Các quy định của Luật phải góp phần khơi thông nguồn tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xử lý vấn đề sở hữu chéo, góp phần phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng yêu cầu đặt lợi ích chung của đất nước là mục tiêu của việc xây dựng dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Thủ tướng yêu cầu đặt lợi ích chung của đất nước là mục tiêu của việc xây dựng dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Đây là nội dung được nêu trong Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2023.

Theo đó, liên quan đến dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật, bảo đảm các yêu cầu sau:

Việc xây dựng dự án Luật này phải thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực ngân hàng và các yêu cầu, định hướng, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đặt lợi ích chung của đất nước là mục tiêu của việc xây dựng dự án Luật này; các quy định của Luật phải khắc phục được các vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, góp phần khơi thông nguồn tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xử lý vấn đề sở hữu chéo, góp phần phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực ngân hàng.

Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng; nâng cao vai trò của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam trong tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề tiêu cực, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.

Xây dựng các quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán, thu giữ tài sản bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn hoạt động của các tổ chức tín dụng; quy định rõ thẩm quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc quyết định việc cho vay đặc biệt, không quy định việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định nội dung này để phù hợp với tinh thần tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của Thành viên Chính phủ tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; hoàn thiện các quy định liên quan đến tổ chức, quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng nhằm nâng cao hơn nữa năng lực quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối.

Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ trong lĩnh vực ngân hàng, bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, tránh lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật

Về công tác xây dựng pháp luật nói chung, Nghị quyết nêu rõ, trong thời gian tới, công tác xây dựng pháp luật cần hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, cần tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, tăng cường thực hiện nhiệm vụ lập pháp của Chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo động lực, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều ngành, lĩnh vực, có nhiều đột phá về thể chế để sửa đổi các quy định chưa phù hợp nhằm tháo gỡ vướng mắc, bổ sung các quy định về các vấn đề mới. Với thời gian chuẩn bị gấp rút, khối lượng công việc lớn, yêu cầu cao về thủ tục và chất lượng để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, tháng 5/2023, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần tập trung chỉ đạo việc hoàn thiện các hồ sơ văn bản theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Quy chế làm việc của Chính phủ và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

Các bộ, cơ quan cần phối hợp chặt chẽ, gửi văn bản góp ý kịp thời, có trách nhiệm, trao đổi kỹ lưỡng về các vấn đề còn ý kiến khác nhau để nâng cao chất lượng dự thảo văn bản khi trình cấp có thẩm quyền. Các cơ quan soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến đối tượng chịu sự điều chỉnh, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn để lắng nghe, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan, các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu tiếp thu, trên tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, những vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng thì thể chế hóa; các vấn đề mới, nếu cần thí điểm thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trước và trong quá trình soạn thảo văn bản, trình cấp có thẩm quyền quyết định, cần chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí để đẩy mạnh truyền thông chính sách, làm rõ nội dung, lý do các đề xuất chính sách đến người dân, góp phần tạo thuận lợi trong quá trình xây dựng và thi hành pháp luật.

Các bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường giám sát, kiểm tra, phối hợp để hoàn thiện khung pháp lý phục vụ đời sống Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các bộ, cơ quan cần triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt đáp ứng các yêu cầu về công tác xây dựng pháp luật: phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, tránh lợi ích cục bộ, vì lợi ích chung của quốc gia, công khai, minh bạch, hội nhập, bền vững kiện toàn đội ngũ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác pháp chế, bố trí kinh phí, nguồn lực để hỗ trợ công tác này.

Như Trung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục