Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Cần rà soát kỹ để tránh khoảng trống pháp lý trong xử lý nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quy định về lãi suất trong hoạt động tín dụng tại khoản 2, Điều 90 Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi còn chưa minh bạch khi vẫn ràng buộc chung chung “theo quy định của pháp luật"...
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia Giao dịch Bảo đảm (NRAST), Bộ Tư pháp Việt Nam phát biểu tại Toạ đàm. Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia Giao dịch Bảo đảm (NRAST), Bộ Tư pháp Việt Nam phát biểu tại Toạ đàm.

Tại Toạ đàm góp ý Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 8/3, trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia Giao dịch Bảo đảm (NRAST), Bộ Tư pháp cho rằng, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng đã có nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung tiến bộ hơn so với Luật hiện hành, giải quyết được nhiều vướng mắc cơ bản liên quan đến các hoạt động cấp tín dụng có áp dụng biện pháp bảo đảm và trong xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.

Tuy nhiên, những nội dung liên quan trong dự thảo Luật cũng cần tiếp tục được xem xét hoàn thiện hơn, nhất là khi việc pháp điển hóa Nghị quyết 42 vào trong Luật Các tổ chức tín dụng sẽ làm mất đi “đặc quyền ưu tiên” áp dụng quy định tại Điều 17, Nghị quyết 42. Việc áp dụng quy định đã được đưa vào tại Luật Các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện theo nguyên tắc áp dụng pháp luật tại Luật Ban hành văn bản pháp luật và Điều 4 của Bộ luật Dân sự.

“Do đó, cần rà soát kỹ để tránh có những khoảng trống pháp lý trong xử lý các vấn đề thuộc hoạt động ngân hàng nói chung, xử lý nợ xấu nói riêng”, ông Hải nói và nêu một số vấn đề sau:

Thứ nhất, thuật ngữ “hoạt động ngân hàng” và “cho vay” tại khoản 12 và khoản 16, Điều 4 Dự thảo Luật còn chưa bao quát được dạng thức cấp tín dụng, bao gồm cấp tín dụng có áp dụng biện pháp bảo đảm và cấp tín dụng không áp dụng biện pháp bảo đảm. Việc giải thích “cho vay” bó hẹp “trong một thời hạn nhất định” và “với nguyên tắc hoàn trả cả gốc và lãi” là chưa bao quát và đang tạo rào cản pháp lý đối với nghĩa vụ trong tương lai và việc thanh toán nợ thông qua việc xử lý tài sản bảo đảm.

Thứ hai, quy định về quyền hoạt động ngân hàng tại khoản 2, Điều 8 chưa bao quát, chưa có cơ chế pháp lý về trường hợp nợ xấu của tổ chức tín dụng được chuyển nhượng cho cá nhân, tổ chức khác không phải là tổ chức tín dụng thì các khoản nợ này có còn thuộc hoạt động ngân hàng hay không? Nếu không còn thuộc hoạt động ngân hàng thì cơ chế xử lý thế nào?

“Ví dụ, trường hợp chủ thể nhận chuyển giao nợ xấu của tổ chức tín dụng có thỏa thuận với bên vay về việc gia hạn thời hạn, bổ sung vốn được cấp thì thời hạn được tăng thêm hoặc khoản vốn được tăng thêm chủ nợ có được hưởng các chế độ về lãi, lãi suất, cơ chế xử lý nợ như áp dụng cho hoạt động ngân hàng không?”, ông Hải nói.

Thứ ba, dự thảo Luật chưa minh thị về hình thức của giao dịch chuyển nhượng quyền đòi nợ có bảo đảm và quyền đòi nợ không có bảo đảm, theo quy định của Bộ luật Dân sự thì hình thức của giao dịch phải quy định trong Luật, điều đó có nghĩa Thông tư của NHNN không được quy định hình thức của giao dịch liên quan đến vấn đề này. Bên cạnh đó, dự thảo Luật chưa có cơ chế bảo đảm tính ổn định, tính kế thừa các giao dịch tín dụng, giao dịch bảo đảm, hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm đã được xác lập trong trường hợp có sự thay đổi thông tin về ngân hàng, chi nhánh của Ngân hàng, phòng giao dịch.

Thứ tư, quy định về lãi suất trong hoạt động tín dụng tại khoản 2, Điều 90 còn chưa minh bạch theo quy định của pháp luật nào, có áp dụng mức trần lãi suất của Bộ luật Dân sự hay không khi mà dự thảo Luật vẫn ràng buộc chung chung “theo quy định của pháp luật?

Ông Hải nói: “Đây là vấn đề còn chưa có sự thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật. Đề nghị chỉnh lý khoản 2, Điều 90 theo hướng “… theo quy định của pháp luật về ngân hàng”.

Thứ năm, Điều 104 của Dự thảo Luật quy định về nghiệp vụ ủy thác và đại lý, giao đại lý trong hoạt động ngân hàng, nhưng nội dung giải thích hoạt động ngân hàng không quy định rõ cấp tín dụng có áp dụng biện pháp bảo đảm và cấp tín dụng không áp dụng biện pháp bảo đảm nên ủy thác và đại lý gần như không được áp dụng trong bảo đảm khoản nợ tín dụng. Theo đó, ông Hải cho rằng, Dự thảo Luật cần bổ sung cơ chế pháp lý về ủy thác, đại lý trong bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm.

Thứ sáu, thu giữ tài sản bảo đảm là một quyền pháp lý không phải là một hành vi pháp lý, do đó, ông Hải nêu quan điểm, dự thảo Luật cần có cơ chế pháp lý linh hoạt cho tổ chức tín dụng thực hiện quyền thu giữ vừa đảm bảo tính kịp thời, an toàn, chi phí thấp vừa phù hợp với tính chất pháp lý của từng loại tài sản bảo đảm và cũng để đảm bảo được tính ổn định của các giao dịch trên thị trường có liên quan đến tài sản bảo đảm.

“Trong đó, để giữ ổn định thị trường, không làm ảnh hưởng đến các lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư khác, việc thu giữ tài sản bảo đảm là vốn góp, cổ phần, chứng khoán tại các công ty đại chúng nên áp dụng thu giữ theo phương thức bên nhận bảo đảm được chuyển giao, thế quyền không phụ thuộc vào ý chí của bên bảo đảm về các quyền pháp lý mà bên bảo đảm được xác lập đối với tài sản bảo đảm”, ông Hải nói.

Thứ bảy, khoản 3, Điều 131 Dự thảo Luật cần bổ sung cơ chế pháp lý phù hợp hơn, đầy đủ, khả thi hơn về chính sách trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này. Trong đó, phải làm rõ hậu quả pháp lý của việc sau 3 năm tổ chức tín dụng vẫn chưa bán tài sản bảo đảm, lúc đó, tổ chức tín dụng có mất quyền xử lý tài sản bảo đảm hay không? Nếu bán sau thời hạn 3 năm thì giao dịch chuyển nhượng có hợp pháp không?.

Theo ông Hải, dự thảo Luật ghi nhận “mua lại bất động sản” là chưa phù hợp hoặc chưa bao quát với quy định của Bộ luật Dân sự, Nghị định số 21/2021 về việc tổ chức tín dụng có thể thỏa thuận nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế thực hiện nghĩa vụ.

“Đồng thời, căn cứ vào quy định về quyền của bên nhận bảo đảm được quy định trong Bộ luật dân sự, quy định về tài sản bán tại khoản 2, Điều 431 Bộ luật Dân sự “tài sản bán thuộc sở hữu của người bán hoặc người bán có quyền bán” thì để đảm bảo tính kịp thời của xử lý tài sản bảo đảm, ngăn ngừa sự không thiện chí của bên bảo đảm, dự thảo Luật cần quy định cụ thể, trường hợp này tổ chức tín dụng có quyền bán, chuyển nhượng không cần phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu hoặc thủ tục đăng ký biến động khác đối với tài sản bảo đảm cho bên tổ chức tín dụng trước khi xử lý tài sản bảo đảm”, ông Hải nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục