Không chỉ riêng Bosch, nhiều DN có vốn FDI khi đầu tư vào Việt Nam cũng khá lo lắng về việc thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Trao đổi với báo giới tại lễ nhận giấy phép đầu tư mới đây, ông Jimmy T.F. Cheah, CEO của United More SDN. BHD (Malaysia) - DN có dự án sản xuất khung màn hình nhựa bóng và vỏ sau nhựa cho các loại tivi thông minh, tivi LCD và tivi LED, với số vốn đầu tư đăng ký 21 triệu USD, cho biết, khó khăn hiện nay của Công ty là tìm kiếm nhân sự, nhất là đội ngũ kỹ thuật có tay nghề cao. Do đó, trong giai đoạn đầu thành lập nhà máy tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), doanh nghiệp này dự kiến chỉ đạt khoảng 1/3 công suất thiết kế.
Ngoài vấn đề nguồn nhân lực, nhiều DN FDI khi cân nhắc việc đầu tư tại Việt Nam còn có những rào cản khác. Thông tin với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, nhiều nhà đầu tư châu Âu đang muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là vào dự án công nghệ cao. Tuy nhiên, theo đại diện của EuroCham, ngoài vấn đề về thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, các nhà đầu tư còn e ngại về chất lượng của hạ tầng tại Việt Nam, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin và sự ổn định của nguồn điện. Ngoài ra, để được chứng nhận DN công nghệ cao, DN phải có những cam kết cụ thể; trình tự, thủ tục cũng khá tốn thời gian... trong khi ưu đãi cho dự án công nghệ cao chưa thật sự hấp dẫn.
Theo vị đại diện này, nếu các vấn đề trên được giải quyết, thì chắc chắn sẽ có thêm DN châu Âu đầu tư vào dự án công nghệ cao tại Việt Nam thời gian tới.
Dù được dự báo sẽ có nhiều nhà đầu tư vào SHTP trong tháng 6 - thời điểm dự án của Samsung tại đây chuẩn bị đi vào hoạt động, nhưng hiện phần lớn dự án được cấp phép tại đây lại là dự án công nghệ cao của DN trong nước.
Cho đến nay, dự án FDI duy nhất được cấp phép tại SHTP vẫn là của Công ty United More nêu trên. Tại nhiều địa phương như Đồng Nai, Bình Dương… dù có kết quả thu hút vốn FDI khá tốt, nhưng hầu như vắng bóng các dự án công nghệ cao.