HĐXX đã triệu tập đại diện các pháp nhân gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Ngân hàng Đông Nam Á, Công ty Đầu tư xây lắp dầu khí Kinh Bắc PVC, Công ty TNHH Mai Phương. Tuy nhiên, đại diện PVN, PVC và Kinh Bắc PVC vắng mặt.
Tòa án cũng triệu tập giám định viên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giám định viên Bộ Tài chính.
Có 3 luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng, 4 luật sư bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh. Hiện có một số luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Đình Tâm, Lê Thành Thái cũng vắng mặt.
Tại tòa, bị cáo Trần Thị Bình (cựu Phó tổng giám đốc PVN) có đơn xin vắng mặt, đề nghị hoãn phiên tòa vì sức khỏe yếu.
Đại diện Viện kiểm sát có quan điểm đề nghị HĐXX cho hoãn phiên tòa.
Bị cáo Đỗ Văn Hồng - cựu lãnh đạo PVC Kinh Bắc. |
Sau gần 1 tiếng hội ý, đến 10h, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo.
Theo cáo trạng, năm 2007, PVN có nghị quyết giao Tổng giám đốc PVN xây dựng đề án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu ở phía Bắc.
Ông Đinh La Thăng đã ký nghị quyết "chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất ethanol khu vực phía Bắc" với phương thức thực hiện thành lập công ty cổ phần làm chủ đầu tư dự án.
Tháng 9/2008, PVB có quyết định phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển gói thầu TK05 xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu để lựa chọn nhà thầu.
Khi đó, Trịnh Xuân Thanh đã ký văn bản gửi PVB đề nghị hạ một số tiêu chí đánh giá về năng lực kỹ thuật, năng lực tài chính, kinh nghiệm nhà thầu nhưng không được chấp thuận. Tiếp đó, PVC đã thành lập liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T để nộp hồ sơ dự tuyển gói thầu này.
Cáo trạng xác định, mặc dù biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về lĩnh vực Ethanol, nhưng từ trước khi PVB triển khai lựa chọn nhà thầu, với vai trò Chủ tịch HĐQT PVN, ông Đinh La Thăng đã chủ trì nhiều cuộc họp để định hướng việc giao thầu cho PVC theo như đề nghị của Trịnh Xuân Thanh.
Trên cơ sở chỉ đạo của ông Thăng, Trịnh Xuân Thanh đã ký công văn gửi PVB xin được chỉ định thầu nhưng không được chấp nhận.
Trịnh Xuân Thanh vẫn quyết liệt tiếp tục chỉ đạo thuộc cấp gửi văn bản đề nghị PVN và PVB xin chỉ định thực hiện dự án. Nhận được công văn này, ông Thăng đã có bút phê chỉ đạo cấp dưới giải quyết theo chủ trương chung của tập đoàn.
Sau khi PVC có công văn gửi PVB xin chỉ định thầu, lãnh đạo của hai đơn vị này đều được tham gia các cuộc họp định kỳ hằng tháng của PVN.
Tại các cuộc họp này, ông Đinh La Thăng và Trần Thị Bình, Phó tổng giám đốc PVN đều kết luận, chỉ đạo PVB, PVC hoàn tất thủ tục chỉ định thầu và ký hợp đồng với liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T.
PVB tiếp tục thẩm tra và đánh giá liên danh này không đạt rất nhiều tiêu chí để thực hiện dự án. Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng vẫn tiếp tục chỉ đạo việc đồng ý chủ trương giao cho Liên danh của PVC thi công gói thầu.
Quá trình thực hiện, do liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực nên dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ liên tục bị chậm tiến độ. Đến tháng 3/2013, PVC đã đơn phương dừng thi công dự án và chưa có hạng mục nào hoàn thành.
Tính đến ngày khởi tố vụ án, chủ đầu tư đã sử dụng gần 1.500 tỷ đồng để thực hiện dự án. PVB đã vay ngân hàng số tiền 754 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định, dự án Ethanol Phú Thọ gây thiệt hại cho PVB hơn 543 tỷ đồng.
Trong vụ án này, Trịnh Xuân Thanh còn lợi dụng chức vụ để dùng tiền dự án trục lợi 3 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 3.400m2 đất ở thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc).