Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) vừa kết thúc điều tra, đề nghị truy tố đối với ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) và 9 bị can về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CTCP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB).
Theo kết luận điều tra, ông Đinh La Thăng là Chủ tịch HĐQT PVN, Trưởng ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học của PVN. Mặc dù từ cuộc họp ngày 7/5/2009, ông Thăng biết liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ nhưng vẫn chủ trì, kết luận các cuộc họp về chủ trương chỉ định thầu, chỉ đạo quyết liệt và ra quyết định giao Liên doanh thực hiện theo hình thức chỉ định thầu.
Còn bà Trần Thị Bình, cựu Phó tổng giám đốc PVN đã thực hiện theo chỉ đạo của ông Thăng, ký văn bản yêu cầu PVC phải có nghị quyết tự nguyện nhận thực hiện gói thầu, đề xuất HĐQT ra quyết định đồng ý chủ trương giao cho Liên doanh…
Ngoài ra, cơ quan an ninh xác định có một số cá nhân liên quan đến vụ án gồm ông Vũ Quang Nam, Phó tổng giám đốc PVN từ năm 2006-2012, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo, phụ trách pháp lý. Vào ngày 24/3/2009, ông Nam đã chủ trì cuộc họp, kết luận đồng ý chủ trương chỉ định thầu cho Liên doanh PVC khi chưa biết nhà thầu có đủ điều kiện không.
Hành vi trên là đồng phạm với các bị can, song do ông Nam đang bị ung thư phổi, thuộc danh mục các bệnh hiểm nghèo nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
Còn ông Trần Ngọc Hà, Tổ phó Tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu của PVB, cùng các bị can khác lập hồ sơ yêu cầu nhưng không đưa vào các tiêu chí đánh giá năng lực, kinh nghiệm để chỉ địnhcho Liên doanh PVC thực hiện dự án. Ông Hà được xác định có đồng phạm nhưng do đang mắc bệnh nhồi máu não nên cơ quan điều tra không xem xét.
Với một số thành viên HĐQT của PVB gồm ông Nguyễn Phương Đông, Nguyễn Thiện Bảo, Phạm Xuân Toàn, theo cơ quan điều tra, ngày 30/5/2009, HĐQT PVB đã họp và yêu cầu Tổng giám đốc Vũ Thanh Hà lập tờ trình chứng minh năng lực, kinh nghiệm của Liên doanh nhà thầu PVC để HĐQT phê duyệt chỉ định thầu theo quy định. Đến ngày 8/6/2009, HĐQT của PVB ra nghị quyết thông qua cuộc họp trên.
Biết nhà thầu không đáp ứng đủ điều kiện song ngày 8/6/2009, Vũ Thanh Hà vẫn tự ý ký quyết định phê duyệt chỉ định thầu và ngày 12/9/2009 ký hợp đồng EPC với Liên doanh PVC.
Cơ quan điều tra xác định các thành viên HĐQT của PVB không biết Liên doanh PVC không đủ năng lực để thực hiện nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm.
Bên cạnh đó ông Lê Quốc Anh (Tổng giám đốc PVB giai đoạn 2010-2014) đã ký phụ lục hợp đồng ngày 22/2/2011 điều chỉnh tăng giá hợp đồng EPC từ 58 triệu USD lên 65 triệu USD và bà Nguyễn Thị Nga (Chủ tịch HĐQT PVB giai đoạn 2011-2013) ký quyết định ngày 8/11/2011 phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh. Tuy nhiên, các hành vi trên chưa phát sinh thiệt hại nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm.
Thiệt hại 543 tỷ đồng
Được biết, Dự án Ethanol Phú Thọ có tổng mức đầu tư ban đầu là 1.317 tỷ đồng gồm vốn sáng lập (405 tỷ đồng) và vốn vay (SeAbank và PVFC - nay là PVCombank). Hợp đồng EPC được ký kết năm 2009 nhưng chỉ có 2/3 thành viên nhà thầu thực hiện.
Theo hợp đồng, PVB sẽ tự thực hiện các hạng mục gồm hệ thống thiết bị cảng, cầu cảng,sân tennis, cây xanh còn PVC chịu trách nhiệm thiết kế chi tiết, mua sắm thiết bị khu phụ trợ (BOP) và xây dựng nhà máy chính…; Alfa Laval cung cấp bản quyền công nghệ, thiết kế công nghệ tổng thể FEED, thiết kế chi tiết cho nhà máy chính…
Theo kết luận giám định, việc chỉ có 2/3 thành viên nhà thầu thực hiện ký kết hợp đồng với chủ đầu tư là không đúng quy định tại khoản 2,Điều 46 Luật đấu thầu số 61/2005/QH11.
Đến ngày 27/3/2013 dự án Ethanol Phú Thọ bị dừng thi công. PVC đã có báo cáo tự nhận thiếu năng lực và kinh nghiệm. PVC đơn phương dừng thi công dự án khi chưa có hạng mục nào được hoàn thành bàn giao.
Cơ quan điều tra xác định do hành vi lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực gây ra đã thiệt hại số tiền 543 tỷ đồng (là khoản tiền lãi suất vay vốn ngân hàng).