3 vấn đề lớn được kiến nghị trong vụ Đại án PVC

(ĐTCK) Ngoài mức hình phạt và trách nhiệm dân sự đối với các bị cáo, |Hội đồng xét xử (HĐXX) cũng kiến nghị 3 vấn đề lớn.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Ảnh TTXVN. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Ảnh TTXVN.

Sáng 22/1, TAND TP Hà Nội đã tuyên án bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước và Tham ô tài sản.

Ngoài mức hình phạt và trách nhiệm dân sự, HĐXX cũng kiến nghị 3 vấn đề:

Thứ nhất, theo công văn báo cáo của PVC, PVC đã tiến hành thu hồi tiền tạm ứng dự án Nhà máy nhiệt điệt Thái Bình 2.

Đến thời điểm ngày 10/1/2018, PVC đã thu hồi hơn 1.240 tỷ đồng tiền gồm nguồn vốn tăng vốn điều lệ (317 tỷ đồng), nguồn thoái vốn thu hồi từ dự án khác (514 tỷ đồng) và chi phí quản lý phục vụ dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (409 tỷ đồng). 

Như vậy, PVC đã dùng những nguồn tiền khác để bù đắp vào khoản tiền tạm ứng chi trái phép. Còn khoản tiền chi trái mục đích chưa được thu hồi.

HĐXX tiếp tục kiến nghị làm rõ việc sử dụng khoản tiền 1.115 tỷ đồng sai mục đích từ dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 để xử lý theo quy định pháp luật

Thứ hai, mặc dù PVC không đủ năng lực tài chính, chuyên môn nhưng ngoài tổng thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, PVC còn được chỉ định thầu xây dựng một số dự án lớn khác như dự án ethanol Phú Thọ... và cho đến nay, Chính phủ đã xác định làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tại các dự án này. 

HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra Bộ Công an làm rõ việc thất thoát này để xử lý theo quy định pháp luật.

Thứ ba, đối với việc phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và một số sai phạm khác tại PVN, PVC, HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục làm rõ xử lý theo quy định pháp luật.

Trước đó, HĐXX nhận định, năm 2010, do việc đầu tư dàn trải, không hiệu quả dẫn tới tình hình tài chính của PVC lâm vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng.

Thay vì tìm các giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn cho PVC, PVN lại giao cho PVC gánh vác thêm các khoản đầu tư có nợ xấu và thua lỗ của 5 dự án tại PVFC với giá trị lên tới 793 tỷ đồng. Tính đến năm 2011, PVC đã đầu tư tài chính vào 43 đơn vị với tổng giá trị đầu tư 3.460 tỷ đồng/2.500 tỷ đồng vốn điều lệ làm mất cân đối dòng tiền đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

Mặc dù biết rõ PVC đang gặp khó khăn rất lớn về tài chính và chưa có năng lực, kinh nghiệm làm tổng thầu thi công những dự án nhiệt điện lớn và theo Nghị quyết 9396 của Hội đồng thành viên PVN phê duyệt phương án thành lập liên danh tổng thầu EPC dự án, nhưng bị cáo Đinh La Thăng vẫn quyết định lựa chọn PVC làm tổng thầu dự án theo hình thức chỉ định thầu.

Hậu quả của vụ án từ hành vi chỉ định thầu, ký kết hợp đồng EPC số 33, chi tiền tạm ứng trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỷ đồng.

Đỗ Mến - Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục