Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết: Tính sai chi phí bù trượt giá

0:00 / 0:00
0:00
Chủ đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết sẽ phải hiệu chỉnh nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý đầu tư, ngay cả khi công trình đã được thông xe chính tuyến từ cuối tháng 6/2023.
Đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã cơ bản hoàn thành, khai thác từ giữa tháng 6/2023 Đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã cơ bản hoàn thành, khai thác từ giữa tháng 6/2023

Không có sai sót lớn

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 278/BGTVT - TC gửi Cục Quản lý đầu tư xây dựng và các ban quản lý dự án: 2, 6, 7, 85, đường Hồ Chí Minh, Thăng Long, là những đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020, về việc triển khai thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Tại Công văn số 278, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 7 thực hiện nghiêm túc các kiến nghị được nêu trong báo cáo kiểm toán, bao gồm các kiến nghị về xử lý tài chính, kiến nghị về công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, kiến nghị về chấn chỉnh rút kinh nghiệm trong công tác quản lý dự án và các kiến nghị khác.

Ban Quản lý dự án 7 cũng được giao chỉ đạo nhà thầu tư vấn giám sát tại Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết thực hiện kiểm định chất lượng công trình, đảm bảo đúng quy trình, quy định hiện hành; chỉ đạo nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan khẩn trương tập trung thi công đảm bảo hoàn thành các hạng mục công việc còn lại của dự án như đường gom, hàng rào, đường ngang, cầu vượt ngang, xử lý triệt để, không ảnh hưởng đến đời sống người dân dọc hai bên tuyến.

“Ban Quản lý dự án 7 có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về Bộ GTVT trước ngày 15/6/2024”, Công văn số 278 do ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT ký nêu rõ.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT yêu cầu các ban quản lý dự án: 2, 6, 7, 85, đường Hồ Chí Minh, Thăng Long, đã và đang triển khai các đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020, khẩn trương rà soát, báo cáo Bộ GTVT về việc xác định lại giá đất khai thác tại các mỏ theo Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020, trước ngày 30/1/2024.

Các yêu cầu này được Bộ GTVT đưa ra sau khi bộ này nhận được Báo cáo kiểm toán kèm theo Văn bản số 214/KTNN-TH của Kiểm toán Nhà nước đối với Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư.

Trước đó, vào giữa tháng 8/2023, Tổng kiểm toán Nhà nước đã ký Quyết định số 1058/QĐ - KTNN thực hiện kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Mục tiêu của đợt kiểm toán này là xác định tính đúng đắn, trung thực của số liệu tài chính (nguồn vốn đầu tư, giá trị nghiệm thu) của Dự án; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, chế độ quản lý đầu tư xây dựng, tài chính, kế toán của Nhà nước; phát hiện những tồn tại, bất cập trong cơ chế, chính sách để kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó, Đoàn kiểm toán phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí, sai phạm trong quá trình thực hiện Dự án để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật. Theo Quyết định số 1058, phạm vi kiểm toán là từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023 và các thời kỳ trước, sau có liên quan; thời hạn kiểm toán là 55 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kiểm toán.

Cần phải nói thêm rằng, tại thời điểm Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã đưa vào khai thác được 3 tháng. Từ đó đến nay, chủ đầu tư và các đơn vị thi công đang hoàn thiện các hạng mục đường gom, hoàn trả đường công vụ và một số công trình phát sinh nhỏ khác.

Thông tin đáng chú ý nhất trong Thông báo số 214 là việc Kiểm toán Nhà nước khẳng định, chưa có bằng chứng cho thấy có dấu hiệu hành vi tham nhũng trong hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại Dự án. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước vẫn “nhặt” được khá nhiều “sạn” trong quá trình tổ chức thi công và kiểm soát chất lượng tại công trình trọng điểm này, dù Dự án đã qua kiểm toán trước đó.

Tính sai chi phí bù trượt giá

Hạn chế đầu tiên được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra liên quan đến công tác lập kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Ban Quản lý dự án 7 cho Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Cụ thể, Ban Quản lý dự án 7 xây dựng kế hoạch vốn năm 2023 là 4.582,184 tỷ đồng. Kế hoạch vốn được Bộ GTVT giao lần đầu là 3.230 tỷ đồng (bằng 70,5% số Ban Quản lý dự án 7 lập) và sau 4 lần điều chỉnh, số vốn được chốt là 2.930 tỷ đồng (bằng 63,9% số Ban Quản lý dự án 7 lập).

Tuy nhiên, số giải ngân đến 30/9/2023 là 1.650 tỷ đồng (đạt 56,32% so với kế hoạch vốn sau điều chỉnh). Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc lập kế hoạch vốn của chủ đầu tư là chưa bám sát tình hình thực tế thi công cũng như khả năng giải ngân vốn của Dự án.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, chủ đầu tư đã tính sai chi phí bù trượt giá hạng mục kiểm soát giao thông thông minh và trạm thu phí (gói thầu XL01, XL02) do các hạng mục bổ sung, dự toán phát sinh được cập nhật đơn giá tại thời điểm phát sinh tháng 7/2022, nhưng vẫn tính trượt giá tại thời điểm 28 ngày trước ngày đóng thầu là không đúng quy định tại Điều 9 của Hợp đồng xây dựng.

Chủ đầu tư lấy chỉ số giá tại thời điểm nghiệm thu giai đoạn không đúng quy định của Hợp đồng 12 (gói thầu XL01); lấy chỉ số giá chưa tính về thời điểm 28 ngày trước ngày hết hạn nộp hồ sơ thanh toán từng đợt (ngày 28 hàng tháng) theo định của hợp đồng, mà lấy tại thời điểm nghiệm thu công việc; chưa cập nhật đơn giá điều chỉnh được duyệt hạng mục tưới nhựa thấm bám 0,7 kg/m2 khi lập dự toán trượt giá (gói thầu XL04).

Việc tính trượt giá chưa phù hợp với quy định của hợp đồng nói trên, theo Kiểm toán Nhà nước là đã làm tăng chi phí 4.056 triệu đồng và ảnh hưởng phần nào đến tính hiệu lực trong việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.

Tại Thông báo số 214, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, chủ đầu tư chưa xem xét việc điều chỉnh giá hợp đồng theo quy định tại điểm a, khoản 9.1, Điều 9, Hợp đồng thi công xây dựng đối với khối lượng đất đắp nền đường khai thác tại các mỏ được cấp theo Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021. Do đơn vị chưa xem xét việc điều chỉnh giá đất và chưa xác định khối lượng đất khai thác theo Nghị quyết số 60/NQ-CP, nên Đoàn kiểm toán tạm ghi nhận giá đất đắp theo giá hợp đồng.

Vào đầu tháng 8/2023, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án 7 cùng tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công phối hợp với cơ quan liên quan của tỉnh Bình Thuận rà soát các tồn tại ảnh hưởng bởi việc thi công đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân để kịp thời khắc phục. Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 7 đã đôn đốc các đơn vị nghiêm túc thực hiện xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của dự án.

Đến ngày 25/8/2023, toàn Dự án chỉ còn 4/16 đường của địa phương chưa được sửa chữa hoàn thiện, chỉ sửa tạm để đảm bảo giao thông; đối với các nhà dân bị nứt, Ban Quản lý dự án 7 đã mời đơn vị bảo hiểm làm việc với chính quyền địa phương và các hộ dân để thống nhất phương án bồi thường.

“Chủ đầu tư cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với các tồn tại trong các công tác: lập kế hoạch đầu tư công hàng năm chưa sát với tiến độ thực tế của dự án; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán chưa kịp thời, chưa đảm bảo theo quy định của hợp đồng; lựa chọn nhà thầu còn chưa đảm bảo theo kế hoạch; quá trình thi công còn ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân, hồ sơ quản lý chất lượng chưa đầy đủ; tiến độ thực hiện các gói thầu còn chậm; quản lý chi phí chưa chặt chẽ”, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục