Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh (gọi tắt là dự án 44 cầu) do Bộ Giao thông vận tải là chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án đường sắt là đại diện Chủ đầu tư sử dụng vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Dự án có tổng mức đầu tư là 37,153 tỷ Yên Nhật và 1.054 tỷ đồng (tương đương 9.284 tỷ đồng) với quy mô bao gồm khôi phục 44 cầu (với tổng chiều dài là 6.553 m cầu) và 45.078 km đường sắt hai đầu cầu; nâng cấp, cải tạo, làm mới 22 đường ngang; xây mới 03 cầu chui và 24 cống hộp chui dân sinh; nâng cấp, cải tạo, làm mới 15 đường chui dưới cầu; xây mới 02 cầu vượt tại phía Nam ga Ninh Bình và phía Nam cầu Đò Lèn; xây dựng mới ga Ninh Bình; mua sắm 12 chủng loại máy móc, thiết bị phục vụ duy tu, bảo dưỡng cầu, đường sắt.
Dự án 44 cầu được Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư theo Quyết định số 1888/GTVT-KHĐT ngày 25/06/2004, được điều chỉnh tại Quyết định số 4149/QĐ-BGTVT ngày 28/12/2007 và quyết định 1488/QĐ-BGTVT ngày 26/06/2012. Mục tiêu đầu tư của dự án là nâng cao an toàn chạy tàu của ngành đường sắt trong quá trình vận hành, khai thác; nâng cao an toàn cho các hoạt động giao thông khác và dân sinh hai bên đường sắt trong phạm vi dự án; rút ngắn hành trình các đoàn tàu trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh.
Dự án có 12 gói thầu sử dụng vốn ODA, trong đó bao gồm 9 gói thầu xây lắp, 2 gói thầu Tư vấn và 1 gói thầu mua sắm hàng hóa. Các gói thầu sử dụng vốn đối ứng là các công tác phục vụ thi công các hạng mục xây lắp chính của dự án như giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, di dời hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt và bảo hiểm công trình.
Thiết kế kỹ thuật của các gói thầu thuộc dự án 44 cầu được lập và phê duyệt trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2010. Trong dự án có nhiều công nghệ mới, lần đầu tiên áp dụng trên các tuyến đường sắt của Việt Nam như ray hàn liền, ray hàn liền liên kết trực tiếp trên dầm thép, cầu đường sắt bê tông cốt thép dự ứng lực bằng công nghệ đúc hẫng có ray liên kết với dầm bê tông bằng hệ thống liên kết đặc biệt không dùng đá balát giúp tàu chạy êm thuận, ít rung lắc. Đường dẫn hai đầu cầu một số đoạn được xử lý nền đất yếu bằng phương pháp cọc xi măng trộn sâu CDM-LODIC theo công nghệ Nhật Bản.
Các công nghệ mới này đều là các công nghệ lần đầu tiên được áp dụng cho các cầu trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh.
Giai đoạn thi công xây lắp dự án được triển khai, khởi công từ cuối năm 2010 đến cuối năm 2015; trong đó: cầu Bà Bầu thuộc tỉnh Quảng Nam là cầu đầu tiên của dự án được hoàn thành, thông xe vào ngày 10/10/2011 và cầu Tháp Chàm thuộc tỉnh Ninh Thuận là cầu cuối cùng của dự án được hoàn thành, thông xe vào 25/12/2015 vừa qua.
"Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư là 9.284 tỷ đồng, đã hoàn thành trước kế hoạch 8 tháng. Dự án đưa vào khai thác sẽ góp phần nâng cao an toàn chạy tàu, nâng cao tải trọng và tốc độ chạy tàu (tốc độ thiết kế 120km/h cho tầu khách, 80km/h cho tàu hàng) và rút ngắn hành trình các đoàn tàu trên tuyến."
Trong quá trình triển khai, dự án đã gặp phải không ít các khó khăn, vướng mắc làm kéo dài thời gian thực hiện. Có thể kể đến là các vướng mắc về cơ sở pháp lý, quy định và luật trong quá trình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu một số gói thầu trong giai đoạn đầu triển khai dự án; công tác giải phóng mặt bằng phức tạp do dự án đi qua nhiều địa phương; rà phá bom mìn còn sót trong giai đoạn chiến tranh; vướng mắc hệ thống thông tin, tín hiệu; dự án triển khai thi công trong điều kiện vừa thi công, vừa khai thác chạy tàu, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông đường sắt,… Bên cạnh đó, nhiều hạng mục phải thay đổi thiết kế để phù hợp và đồng bộ với điều kiện thực tế, một số hạng mục bổ sung, phát sinh vào các gói thầu. Đã có thời điểm, một số gói thầu tưởng như không thể về đích theo yêu cầu.… Cho đến nửa cuối năm 2014 dự án vẫn còn tới 18 công trình cầu và cụm công trình chưa hoàn thành.
Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Giao thông vận tải, trong chủ trương tái cơ cấu ngành đường sắt, sáp nhập Ban quản lý dự án và chuyển chủ đầu trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, tập thể Ban Quản lý dự án Đường sắt đã đoàn kết, quyết liệt chỉ đạo tư vấn và nhà thầu, điều chỉnh kế hoạch, tiến độ thi công, tăng ca tăng kíp tận dụng tối đa thời tiết tốt hiện trường để thi công, bố trí cán bộ thường xuyên bám sát hiện trường, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và Nhà tài trợ để giải quyết nhanh nhất các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công và tiến độ giải ngân của từng gói thầu gói thầu; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý, khai thác đường sắt của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đảm bảo an toàn tàu chạy.
Dự án đã có những bước chuyển mình đáng kể ngay những tháng đầu năm 2015 với kết quả là các công trình cầu, nhà ga lần lượt được hoàn thành, đưa vào khai thác như cầu Trà Bồng, Sông Bồ ... và đặc biệt cụm ga Ninh Bình mới và cầu đường sắt Ninh Bình vinh dự được Bộ Giao thông vận tải gắn biển "công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước ngành Giao thông vận tải".
Tiếp đà thi công trên, nắm rõ đặc điểm thời tiết và mùa mưa bão miền Trung, để có thể đáp ứng được tiến độ hoàn thành đối với các cầu và cụm công trình còn lại, Ban Quản lý Dự án Đường sắt đã chỉ đạo nhà thầu một mặt tăng cường năng lực để đẩy nhanh tiến độ sản xuất dầm cầu, đồng thời nghiên cứu thay đổi biện pháp lắp dầm mới ngoài hiện trường đảm bảo an toàn trong thi công và sẵn sàng thay dầm ngay khi điều kiện thời tiết cho phép.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong thi công khôi phục, thay thế cầu đường sắt hiện hữu tại Việt Nam, Ban Quản lý Dự án Đường sắt cùng Tư vấn và các nhà thầu áp dụng sàng thay thành công đa nhịp giàn thép (tới 6 nhịp với tổng chiều dài đến gần 300 m) đảm bảo sau duy nhất 1 lần phong tỏa, các chuyến tàu ngược xuôi lại tiếp tục hành trình trên cây cầu mới. Việc sàng thay thành công đa nhịp giàn thép một lần đã đánh dấu bước tiến mới trong công nghệ lao kéo, thay thế dầm giàn cầu đường sắt cũ đang khai thác, rút ngắn được số lần phong tỏa đường sắt phục vụ lao kéo dầm, giảm thiểu thời gian dừng tàu để thay thế dầm giàn mới, giảm thiểu tối đa xáo trộn trong lập, điều chỉnh kế hoạch chạy tàu của Đường sắt Việt Nam.
Nhờ đó, chỉ trong năm 2015 toàn bộ 18 công trình cầu và cụm công trình còn lại của dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trước gần 8 tháng so với tiến độ hợp đồng.
Việc hoàn thành dự án 44 cầu trước kế hoạch 8 tháng là một hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và xuân Bính Thân 2016, mang một ý nghĩa quan trọng đối với ngành Giao thông vận tải nói chung, Đường sắt Việt Nam nói riêng. Sau khi đưa các công trình của dự án vào khai thác, dự án góp phần nâng cao an toàn chạy tàu của ngành đường sắt, nâng cao tải trọng và tốc độ chạy tàu (tốc độ thiết kế 120km/h cho tầu khách, 80km/h cho tàu hàng) và rút ngắn hành trình các đoàn tàu trên tuyến. Đồng thời, một số nút giao đồng mức cũng được xoá bỏ, đảm bảo an toàn trong quá trình đi lại hai bên đường sắt của người dân địa phương.
Bên cạnh đó, các Nhà thầu Việt Nam đã có cơ hội hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quản lý và công nghệ thi công của các Nhà thầu Nhật Bản, đồng thời tạo mối quan hệ lâu dài và mở ra cơ hội hợp tác cho các dự án khác trong tương lai.