Đột biến lợi nhuận ngân hàng 2018

(ĐTCK) Tuy chưa kết thúc năm tài chính 2018, nhưng không ít ngân hàng đã hoàn tất chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho cả năm. Thậm chí, nhiều tên tuổi công bố lợi nhuận tăng đột biến như VIB, Eximbank, OCB, TPBank, Nam A Bank...
Năm nay, lợi nhuận của các ngân hàng ước tăng trưởng 40% .

Hấp dẫn cuộc đua lợi nhuận

Lãnh đạo Vietcombank trong một sự kiện gần đây cho biết, lợi nhuận Ngân hàng năm 2018 sẽ vượt chỉ tiêu 13.000 tỷ đồng được thông qua hồi đầu năm, thậm chí có thể vượt 15.000 tỷ đồng, tức tăng trưởng trên 15%, qua đó giữ vững vị trí số 1 trong Top 5 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2018, Vietcombank dẫn đầu hệ thống ngân hàng về lợi nhuận trước thuế với hơn 11.600 tỷ đồng, bỏ xa ngân hàng đứng sau là Techcombank đạt 7.774 tỷ đồng.

Vị trí số 2 của Techcombank đang bị bám đuổi ráo riết bởi VietinBank và BIDV khi 2 nhà băng này đạt lợi nhuận lần lượt là 7.500 tỷ đồng và 7.200 tỷ đồng sau 3 quý đầu năm. Được biết, mới đây, VietinBank đã điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế xuống 6.200 tỷ đồng (lợi nhuận hợp nhất 6.700 tỷ đồng).

Trong khi đó, VPBank đang có phần đi chậm lại khi chỉ tăng trưởng gần 9% trong 9 tháng qua, đạt 6.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tại MB, lợi nhuận trước thuế bất ngờ tăng trưởng hơn 50% sau 3 quý đầu năm, đạt trên 6.000 tỷ đồng. Hiện MB chưa công bố con số cuối cùng của năm 2018.

Trong nhóm ngân hàng quy mô tầm trung, nhiều ngân hàng ghi nhận con số lợi nhuận nghìn tỷ đi kèm mức tăng trưởng cao đột biến, đó là 4 ngân hàng VIB, Eximbank, OCB và TPBank, đạt lần lượt 176%, 149%, 133%, 100%.

Ông Nguyễn Cảnh Vinh, Phó tổng giám đốc Eximbank cho biết, tính đến hết tháng 11/2018, Ngân hàng đã vượt chỉ tiêu (1.600 tỷ đồng) lợi nhuận đưa ra cho cả năm nay. Tại Sacombank, ngân hàng này vừa công bố ước đạt hơn 2.200 tỷ đồng trước thuế trong năm 2018, vượt 20% kế hoạch cổ đông thông qua.

Với nhóm ngân hàng quy mô nhỏ, nhiều cái tên cũng đã sớm vượt kế hoạch lợi nhuận năm sau 3 quý. Chẳng hạn, VietCapitalBank đạt 139 tỷ đồng lãi trước thuế, hoàn thành 179% kế hoạch năm; MaritimeBank đạt 290 tỷ đồng, hoàn thành 149% kế hoạch; VietBank đạt 302 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch.

Nam A Bank thậm chí hoàn thành kế hoạch lợi nhuận từ quý II. Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, tính đến hết tháng 11/2018, Ngân hàng đạt 700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp đôi chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.

Có thể thấy, quý cuối năm thường là thời điểm bứt phá mạnh nhất do nhu cầu vốn tăng mạnh, cho nên các ngân hàng đã đạt kết quả tích cực sau 3 quý đầu năm nhiều khả năng sẽ đạt, thậm chí vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Báo cáo mới công bố của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cho biết, tổng tài sản hệ thống tổ chức tín dụng năm 2018 tăng khoảng 11,5% so với cuối năm 2017. Trong đó, tổng tín dụng của các ngân hàng ước tăng trưởng 14-15% (năm 2017 tăng 17,6%); lợi nhuận ước tăng trưởng 40%. Nhiều chỉ tiêu sinh lời tiếp tục được cải thiện, với ROA ước đạt 0,9% và ROE ước đạt 13,6% (năm 2017 là 11,22%).

Về xử lý nợ xấu, NFSC cho biết, giá trị xử lý nợ xấu năm 2018 tăng khoảng 30% so với năm 2017 (không bao gồm nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng - VAMC). Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 59,8%; thu nợ từ khách hàng chiếm 33,2%; bán phát mại tài sản chiếm 3%, còn lại là các hình thức khác.

Cũng theo báo cáo của NFSC, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng đã được cải thiện, đạt 11,1%, nhờ vốn tự có tăng 12,2%, trong khi tổng tài sản có rủi ro tăng thấp hơn (khoảng 10,8%). Tỷ lệ vốn cấp I/tổng tài sản có hệ số rủi ro là 8,8% (năm 2017 là 7,8%). 

Năm 2019 sẽ ra sao?

Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2018 dù đạt mức cao, nhưng tới đây sẽ khó tránh ảnh hưởng khi tăng trưởng tín dụng khó có thể tăng cao, trong khi áp lực đáp ứng tiêu chuẩn Basel II ngày một lớn. Để gia tăng nguồn thu, các ngân hàng sẽ phải đẩy mạnh phát triển hoạt động dịch vụ, song khó kỳ vọng tăng mạnh trong thời gian ngắn.

Mặt khác, ngoài các mảng hoạt động chính, việc nhiều ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực thời gian qua một phần đến từ việc trích lập dự phòng thấp. Bởi vậy, các khoản cho vay trước đây, nhất là cho vay bất động sản, sẽ làm tăng dự phòng rủi ro trong thời gian tới, từ đó tác động lên lợi nhuận.

Đánh giá về tăng trưởng tín dụng, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, trước áp lực lạm phát có xu hướng tăng, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động kiểm soát hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng. Dù vậy, tín dụng năm sau cũng khó có thể tăng cao. Theo BVSC, so với con số tăng trưởng dưới 16% của năm 2018 mà lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đưa ra mới đây, tăng trưởng tín dụng năm 2019 cũng sẽ tương đương mức này.

Ở một góc nhìn khác, Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) nhận định, năm 2018 là năm "tăng trưởng đặc biệt” của ngành ngân hàng. Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng niêm yết theo dự kiến của HSC sẽ tăng trưởng trên 45% trong năm nay, cao hơn mức 30% như dự báo trước đó.

"Chính sách thắt chặt tín dụng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng trong năm tới, nhưng không quá lớn. Dự báo lợi nhuận các ngân hàng trong năm 2019 sẽ tăng trưởng khoảng 20%", HSC đánh giá.

Thực tế cho thấy, tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng sẽ thấp hơn kế hoạch, gây ảnh hưởng đến thu nhập lãi thuần, song thu nhập lãi cận biên (NIM), thu nhập ngoài lãi đang tăng lên, trong đó có đóng góp khá đáng kể của mảng dịch vụ.

Chẳng hạn, tại Vietcombank, VPBank, Techcombank…, thu nhập từ dịch vụ mang lại hàng nghìn tỷ đồng. Dẫu vậy, không phải lợi nhuận của ngân hàng nào cũng sẽ tăng trưởng theo chiều hướng tích cực trong năm nay, cũng như năm tới, nhất là các ngân hàng nhỏ, đang trong quá trình tái cơ cấu.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục